Những ngày này, trên con phố Thành Thái (Hà Nội), hàng loạt showroom ôtô đóng cửa im lìm vì giãn cách xã hội. Trước đó, ngay cả khi chưa giãn cách, không khí cũng trầm lắng trên con phố buôn xe cũ nhộn nhịp tại thủ đô. Năm trước, những cửa hàng ở Thành Thái hay Phạm Hùng, Tố Hữu tấp nập người, xe ra vào. Nhưng giờ đây, nhân viên cửa hàng ngồi buôn chuyện phiếm, quay video giới thiệu xe để đăng lên mạng xã hội hoặc đơn giản nhất, là ngủ cho qua ngày.
Từ đầu năm 2021, ảnh hưởng của nhiều đợt dịch và xe mới giảm giá sâu khiến nhiều cửa hàng kinh doanh xe cũ gặp khó khăn trong cả việc bán ra và mua vào. Đa số các dòng xe bị ảnh hưởng nằm ở phân khúc dưới 1 tỷ đồng. Ghi nhận tại một số cửa hàng, có những xe "nằm" một chỗ tới 1-2 tháng mà chưa bán được.
Nếu trước đây mỗi tháng cửa hàng của anh Văn Phúc ở Tố Hữu bán ra 5-7 xe, mua vào 2-5 xe thì hiện tại con số này bị giảm đi khá nhiều. Cá biệt 2 tháng trở lại đây, gần như không có giao dịch bán ra, chỉ lác đác mua vào 1-2 xe giá tốt. Tương tự anh Phúc, lượng xe cũ trong nhiều salon khác cũng không thay đổi hai tháng qua. Có những cửa hàng doanh số 6 tháng đầu năm chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều nhân viên kinh doanh xe cũ chia sẻ, khách tìm đến xe cũ chủ yếu có kế hoạch trước đó rất lâu và tìm được chiếc xe ưng ý. Đa số khách vãng lai mới đi xem xe một vài lần thì hầu như không mua.
Các dòng xe cũ của Nhật vốn dễ bán như Toyota, Honda hay Mazda, Kia đều chậm. Ngay cả với những mẫu xe ở tầm tiền vừa phải trên dưới 500 triệu đồng đều ít hoặc không có giao dịch.
Dịch bệnh kéo dài, người dân có xu hướng tiết kiệm tiền, đồng thời nhu cầu đi lại giảm khiến nhu cầu mua xe giảm theo. Việc di chuyển giữa các tỉnh khó khăn cũng làm nhiều khách hàng ngại hoặc không muốn di chuyển đến địa phương khác để xem xe, một kiểu mua bán xe cũ phổ biến trước đây.
Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động của thị trường xe mới cũng ảnh hưởng tới mảng xe cũ. Các hãng tung nhiều ưu đãi để giảm giá xe khiến khách hàng dễ mua xe mới hơn, không còn nhu cầu mua xe cũ, dù giá xe cũ cũng giảm tương ứng.
Ngoài việc lượng cầu giảm, các cửa hãng xe cũ cũng đối mặt với nguồn cung tăng. Dịch bệnh khiến nhiều người bán xe để duy trì cuộc sống, trả nợ ngân hàng nên nguồn cung sẵn, nhiều salon vì thế tranh thủ "ôm" xe. Nhưng ngay khi vừa nhập xe vào, thị trường lại biến động, dịch bệnh lại bùng phát khiến số xe này cứ nằm chờ trong kho, không thể thanh khoản.
Ngoài khó khăn vì bán được ít xe, nhiều cửa hàng phải gồng gánh chi phí mặt bằng, nhân viên và lãi ngân hàng do đa số các salon đều sử dụng hình thức vay vốn để kinh doanh. Thời gian rảnh nhiều, nhiều nhân viên bán xe cũ chuyển sang kinh doanh thêm các mặt hàng khác như rau củ quả hay đi từ thiện.
Một số cửa hàng còn chuyển xe cho nhau bán hộ để "đổi vía", nhất là ở phân khúc xe sang nhiều tỷ đồng. Cùng một chiếc xe có thể được rất nhiều salon chào bán.
Văn Phúc cho biết, lúc này, anh chấp nhận bán hòa hoặc lỗ để thu tiền về, có vốn quay vòng, trả bớt cho ngân hàng, hoặc còn tiền dư chuyển dòng tiền qua các kênh đầu tư khác an toàn hơn.
"Chưa biết bao giờ thị trường mới ấm trở lại", anh ngao ngán.