Chính sách thiết thực
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4349/VPCP-KTTH giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình cho giai đoạn tiếp theo, sau năm 2022.
Qua công tác đánh giá, việc thực hiện Chương trình cơ bản đã đạt được mục tiêu nhất định như góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu. Sau khi Chương trình được ban hành, một số doanh nghiệp đã tiếp tục sản xuất, lắp ráp các dòng xe mà trước đó đã dừng sản xuất tại Việt Nam (các liên doanh chỉ nhập khẩu, phân phối từ các nhà máy trong khu vực). Đồng thời, một số doanh nghiệp đã đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, Chương trình còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Trước những thành quả đạt được, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn sau năm 2022, và điều chỉnh một số quy định liên quan đến điều kiện khí thải, kỳ xét ưu đãi và yêu cầu về sản lượng để được tham gia Chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm các dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam và dự kiến chuyển một số hoạt động từ các nước trong khu vực về Việt Nam nếu như Chương trình ưu đãi thuế được tiếp tục áp dụng sau 2022.
Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), do có những đóng góp lớn cho kinh tế xã hội, nên ngành CNHT ôtô là một trong 6 ngành được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư, cần phải có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp ôtô, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển.
Tới đây, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022. Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng kể từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.
Hiện nay các doanh nghiệp ô tô đang phải chuẩn bị kế hoạch sản xuất từ 2023 trở đi. Trong bối cảnh hàng rào thuế quan đối với xe ô tô nguyên chiếc từng bước được xóa bỏ theo các Hiệp định FTA và trên cơ sở các kết quả đạt được từ việc thực hiện Chương trình giai đoạn vừa qua, theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế là cần thiết và là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo.
Thứ hai, để được tham gia Chương trình ưu đãi thuế và được áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định, thì doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp.
Cần điều chỉnh phù hợp
Tuy nhiên, trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay, Hiệp hội VAMA và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã kiến nghị xoá bỏ điều kiện về sản lượng tối thiểu để tham gia Chương trình, hoặc thực hiện điều chỉnh giảm mức sản lượng cho phù hợp với bối cảnh... Cụ thể, Công ty CP Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor) cho rằng, tiêu chí sản lượng tối thiểu để được hưởng ưu đãi theo từng nhóm xe gây khó khăn cho doanh nghiệp vì sự sụt giảm của thị trường do dịch bệnh. Vì vậy, TC Motor kiến nghị, trong 3 năm đầu tiên, những doanh nghiệp có quy mô đầu tư 3.000 tỉ đồng trở lên (được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa sản xuất - kinh doanh tại thời điểm dự thảo có hiệu lực) vẫn được phép tham gia chương trình ưu đãi mà không cần xem xét tiêu chí sản lượng.
Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị xoá bỏ điều kiện về sản lượng tối thiểu để tham gia Chương trình, hoặc thực hiện điều chỉnh giảm mức sản lượng cho phù hợp với bối cảnh
“Bên cạnh đó, cho phép Tổng công ty có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của từng công ty sản xuất, lắp ráp ôtô (công ty nhận vốn góp). Đồng thời, đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi, tổng công ty hoặc một trong số công ty nhận vốn góp đạt điều kiện ưu đãi thì các công ty nhận vốn góp còn lại hoặc tổng công ty không phải đáp ứng điều kiện sản lượng nếu có cùng nhóm xe đạt điều kiện”, TC Motor đề xuất.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe nội cũng đề xuất điều chỉnh giảm điều kiện sản lượng tối thiểu để hưởng ưu đãi với phân khúc xe buýt, xe khách như giảm sản lượng chung tối thiểu từ 360 về 300 chiếc, giảm sản lượng riêng tối thiểu cho một mẫu xe hoặc tổng sản lượng riêng tối thiểu cho 2 mẫu xe từ 200 về 150 chiếc...
Trước vấn đề này, Bộ Tài chính nhận thấy việc yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết, để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi phải đầu tư và đảm bảo quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe. Cũng tại hồ sơ xin ý kiến các Bộ, ngành, Bộ Tài chính đã đề nghị không bỏ quy định điều kiện về sản lượng mà sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Đồng thời, để đảm bảo sự đồng bộ của chính sách, nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Chương trình, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất sửa một số nội dung như về kỳ xét ưu đãi, hiệu lực áp dụng, điều kiện khí thải để thống nhất với quy định về điều kiện sản lượng và thống nhất với các quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp