"Tôi quá may mắn hôm nay. Tạ ơn Chúa khi Halo đã cứu tôi", Lewis Hamilton nói. Vụ tai nạn xảy ra ở vòng đua thứ 26, khi tay đua số 33 đội Red Bull (Max Verstappen) tiếp cận góc cua gắt nổi tiếng - Variante del Rettifilo trên đường đua Monza (Italy), va chạm với Hamilton đội Mercedes.
Max Verstappen cố lách vào góc cua để vượt Hamilton. Hai xe va chạm nhau, bánh xau bên phải chiếc RB16B (Red Bull Racing RB16B) trèo lên bánh sau bên trái chiếc W12 (Mercedes-AMG F1 W12 E Performance). Xe của tay đua 33 vọt lên, lao chéo qua xe 44, bánh sau xe của Verstappen nằm ngay trên đầu Hamilton, xe của Max chỉ dừng lại nhờ sự có mặt của Halo.
Ý tưởng Halo lần đầu tiên do Mercedes đề xuất sau khi FIA (Liên đoàn xe đua thế giới) nghiên cứu về một thiết bị bảo vệ người lái. Nguyên mẫu Halo đầu tiên làm bằng thép - trải qua các bài kiểm tra tĩnh tại RAF Bentwaters vào năm 2015 và hoạt động tốt trước loại lốp nặng 20 kg bắn ra từ một khẩu pháo bằng khí nitơ ở tốc độ 225 km/h. Tháng 2/2015, Ferrari thử một một thiết bị tương tự nhưng bọc sợi carbon, các tay đua báo cáo ở mức độ chấp nhận được dù có cột đặt dọc và phần bảo vệ bao quanh.
Tại Grand Pix Áo năm 2016, một nguyên mẫu nhẹ hơn, cứng hơn làm bằng titan được giới thiệu với tên gọi Halo 2. Một trong những thay đổi đáng chú ý là phần vòng cung của Halo rộng hơn để cải thiện tầm nhìn và loại bỏ nguy cơ người lái va đầu vào khi xảy ra va chạm. Các bài kiểm tra độ cứng diễn tra trong đường pit Red Bull Ring trước khi chạy trên đường đua Silverstone ở vòng sau. Một loạt các bài kiểm tra diễn ra trong các buổi thực hành để tất cả các tay đua hoàn thành ít nhất một vòng đua với mẫu thử nghiệm gắn trên xe.
Halo chính thức được sử dụng tại F1 từ 2018, sau hai năm nghiên cứu và phát triển. Cấu tạo chính của Halo gồm một khung bao quanh vùng đầu người lái, kết nối với ba thanh bởi ba điểm với khung xe, nhằm bảo vệ những tay đua khỏi những vật thể nguy hiểm văng ra trên đường đua. Halo làm bằng vật liệu titanium và nặng khoảng 7 kg trong phiên bản giới thiệu năm 2016, sau đó tăng lên 9 kg vào năm 2017. Halo có thể chịu sức nặng của một chiếc xe buýt hai tầng.
Halo phát triển dựa trên dữ liệu của 40 sự cố thực trên trên đường đua, nhờ có hệ thống này, tỷ lệ sống sót của người lái tăng lên 17%. Hệ thống bảo vệ người lái do ba nhà sản xuất bên ngoài phát triển, không thuộc các nhóm đua và do FIA lựa chọn và có cùng thông số kỹ thuật với tất cả các loại xe. Halo không chỉ ứng dụng cho xe F1, F2 mà còn cho cả Formula E (xe điện).