Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, yêu cầu bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị tái áp dụng giảm 50% mức lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Bộ Công thương đã có ý kiến ủng hộ chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nghành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
Tuy nhiên, ở diễn biến mới nhất, chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đặt lên "bàn cân" với nội dung: đánh giá tác động để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biến đại dịch COVID-19.
Nhiều ý kiến trái chiều về việc tái áp dụng việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Các tác động về thu ngân sách hay một giải pháp "cứu" doanh nghiệp ô tô, nền công nghiệp ô tô được đặt ra và cần sớm có lời giải.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc giảm lệ phí trước bạ cho mọi loại xe trước đây từng gây ra tiền lệ có hại cho ngành sản xuất ô tô trong nước. Vào năm 2009, khi giảm lệ phí trước bạ cho mọi ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, các hãng xe trong nước đã không đầu tư vào sản xuất thay vào đó họ chỉ nhập khẩu xe về bán.
Lúc này sản xuất trong nước sụt giảm vì các hãng xe nhận ra nhập khẩu cho hiệu quả nhanh hơn, họ không cần tập trung vào sản xuất, lắp ráp mà vẫn bán được hàng. Trong khi mục tiêu của chính sách là hỗ trợ sản xuất trong nước. Do đó đến năm 2020, việc giảm lệ phí được quy định cụ thể cho các xe CKD.
"Ở góc độ phát triển công nghiệp ô tô của một quốc gia, việc hỗ trợ này không khác gì hỗ trợ cho công nghiệp ô tô của quốc gia khác", vị chuyên gia đánh giá.
Đối với quyết định giảm lệ phí trước bạ lần này, nhiều người đang cho rằng việc giảm phí trước bạ có thể làm giảm thu ngân sách, đặc biệt là trong thời điểm Chính phủ đang phải chi rất nhiều cho chống dịch. Lo ngại này không phải là không có cơ sở.
Trong năm ngoái, việc giảm lệ phí trước bạ đã giúp kích cầu thị trường, tăng sức mua, từ đó ngân sách đã tăng thu nhờ các khoản thuế, phí khác. Nhưng so sánh với năm 2020, dịch bệnh trong năm nay ảnh hưởng nhiều và sâu hơn. Sản xuất trong năm nay bị đình trệ, nhiều người bị giảm thu nhập, mất việc làm. Do vậy sức mua của thị trường có thể bị giảm, khiến ngân sách không thể tăng thu được.
Theo chuyên gia này, nếu muốn áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ, Chính phủ có thể thực hiện trong một giai đoạn ngắn: từ nay đến cuối năm. Đấy sẽ là thời gian để đánh giá tác động của chính sách với thị trường. Nếu tạo ra tác động tốt thì có thể duy trì và kéo dài. Nếu sức mua không đảm bảo được thì sẽ dừng.
Đồng quan điểm, một chuyên gia chuyên lĩnh vực ô tô cho rằng việc áp dụng giảm trước bạ chỉ là một giải pháp trong ngắn hạn. Ngoài ra, các hãng có thể tự kích cầu cho khách hàng của mình bằng cách đưa thêm các trang bị cho xe, hoặc khuyến mại khách hàng một năm thay dầu, bảo dưỡng, hoặc tìm cách nào đó để khách hàng khi đến với dịch vụ của mình thuận tiện hơn thay vì ra gara ngoài.