Tuy nhiên, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn chưa được quyết định và chỉ mới là đề xuất của Bộ Tài chính. Trong trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022.
Như vậy, nếu Dự thảo Nghị định được sớm thông qua, xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có thêm sức hút kích cầu đối với người tiêu dùng. Việc giảm lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe ô tô, vì thế không ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Giảm lệ phí trước bạ sẽ chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Song nếu chính sách thu hút được người tiêu dùng, số lượng xe bán ra tăng lên, thì tổng thu ngân sách vẫn có thể tăng lên. Đặc biệt, số lượng xe bán ra tăng, sẽ giúp tăng các nguồn thu ngân sách từ các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Điều này đã được chứng minh vào năm ngoái, khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp được thực hiện vào nửa cuối năm. Lúc đó, theo số liệu thống kê, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.110 tỷ đồng.
Tuy vậy, chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp cũng không thể kéo dài quá 6 tháng. Trong Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng đề cập đến những thách thức khi áp dụng chính sách ưu đãi. Đó là những cam kết tuân thủ các quy định quốc tế, như được quy định tại Hiệp định GATT của WTO, cũng như những yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Trong năm 2020, khi thực hiện chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng bị tác động của dịch COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ngay lập tức công bố “Sách Trắng 2020”, kiến nghị Việt Nam giảm 50% lệ phí trước bạ cho 19 thương hiệu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang được phân phối trên thị trường. Theo EuroCham, chỉ ưu tiên giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước là “không phù hợp khi Covid-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu”.
Hôm 25/10, đại diện 11 hãng nhập khẩu như Audi, Volkswagen, Subaru, Volvo, Jeep, Porsche... cho rằng Chính phủ không nên chỉ ưu đãi xe lắp ráp và kiến nghị áp dụng giảm lệ phí trước bạ cho cả xe nhập. Các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam (VIVA) cho rằng không công bằng khi ưu đãi lệ phí trước bạ cho ôtô chỉ dành cho loại sản xuất, lắp ráp trong nước. COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường ô tô, chứ không chỉ có ảnh hưởng đến riêng dòng xe lắp ráp.
Lệ phí trước bạ ô tô được hiểu là khoản lệ phí mà người mua ô tô phải nộp cho cơ quan thuế khi muốn đăng ký quyền sở hữu chiếc ô tô mới mua hoặc khi mua lại một chiếc ô tô đã qua sử dụng từ chủ sở hữu cũ. Về phía người tiêu dùng, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí lăn bánh ô tô. Hiện nay, mức lệ phí trước bạ áp dụng với ôtô con tại các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Như vậy, nếu được giảm 50% mức phí sẽ chỉ còn từ 5-6% giá trị xe.
Thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trong nhiều tháng liên tục sụt giảm. Doanh số bán hàng tháng 9/2021 của toàn thị trường đạt 13.537 xe, tăng 52% so với tháng 8/2021 và giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kết quả kinh doanh trên thị trường ô tô tháng 8/2021 đã ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục trong lịch sử, kể từ năm 2015 đến nay.
Trong tháng 8/2021, chỉ có 8.884 xe được bán ra, giảm 45% so với doanh số của tháng 7, và giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì thế, dù tổng doanh số bán ra của thị trường ô tô trong tháng 9/2021 có phần khởi sắc so với tháng 8, song tính đến nay đây vẫn là tháng có kết quả kinh doanh thấp thứ 2 trong năm 2021, chỉ cao hơn so với kết quả thấp kỷ lục của tháng 8.