“Giải mã” cuộc chuyển mình lớn chưa từng thấy trong lịch sử Toyota

Phương Vy Phương Vy

Ở bất kỳ ngã rẽ nào trong ngành công nghiệp giao thông toàn cầu hiện nay, Toyota dường như đều đã hiện hữu.

Một phòng trưng bày xe ở Toyota City - Ảnh: Bloomberg.
Một phòng trưng bày xe ở Toyota City - Ảnh: Bloomberg.

Từ pin xe điện cho tới xe không người lái, từ xe tự hành trên Mặt Trăng cho tới các công ty ứng dụng gọi xe, hãng sản xuất ôtô lớn thứ nhì thế giới đang theo đuổi một chiến dịch đầu tư không mệt mỏi. Mấy năm gần đây, hãng đã rót hơn 3 tỷ USD vào các thương vụ và thỏa thuận đối tác kinh doanh. Chiến lược đầu tư trên diện rộng này được coi là “bắt chước” các nhà đầu tư công nghệ như tập đoàn SoftBank.

Điều đáng nói là chiến lược như vậy của Toyota đang chứng minh được tính đúng đắn, hãngtin Bloomberg cho hay.

Cũng giống như đối thủ lớn nhất Volkswagen và các hãng xe khác, Toyota đang đối mặt với một tương lai ngày càng bấp bênh, khi những công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới tạo ra những làn sóng thay đổi chưa từng có trong ngành công nghiệp ôtô 2,23 nghìn tỷ USD của thế giới.

Ứng dụng gọi xe của Uber Technologies đã khiến giới trẻ ít quan tâm đến việc sở hữu và sử dụng xe hơi hơn so với các thế hệ trước. Thành công mà Tesla gặt hái được với xe chạy điện đã khuyến khích các hãng xe truyền thống chạy đua tung ra sản phẩm xe chạy điện của riêng mình. Theo dự báo của Accenture, doanh số thị trường ôtô thế giới vào năm 2030 chỉ tăng nhẹ so với hiện nay, trong khi chi tiêu vào các dịch vụ di chuyển mới như chia sẻ xe và gọi xe qua ứng dụng sẽ đạt tổng cộng 1,34 nghìn tỷ USD.

“Cho tới hiện tại, Toyota đang phát triển đa dạng hơn bất kỳ đối thủ nào về các sản phẩm di chuyển khác nhau, từ di chuyển cá nhân cho tới xe sang, những hình thức di chuyển chung và xe thương mại”, nhà phân tích Janet Lewis thuộc Macquarie Capital Securities ở Tokyo nhận xét. “Các nhà đầu tư trong lĩnh vực ôtô nhìn chung nhất trí rằng Toyota có vẻ như đang thắng”.

Trên thực tế, cổ đông của Toyota đồng tình với chiến lược của hãng. Giá cổ phiếu Toyota đã tăng 10% trong năm nay, đưa giá trị vốn hóa thị trường của hãng tăng 18,6 tỷ USD. Mức tăng này lớn hơn mức tăng của chỉ số Topix và các hãng xe Nhật khác, cho dù lợi nhuận và doanh của hãng tăng chậm.

Theo dự báo của Bloomberg, lợi nhuận hoạt động quý 2 của Toyota chỉ tăng 1,3%, đạt 692 tỷ Yên, còn doanh thu tăng 1,6%, đạt 7,48 nghìn tỷ Yên.

Đặt cược lớn

Ngoài các vụ đầu tư và thỏa thuận hợp tác kinh doanh, Toyota hiện đang chi mỗi năm khoảng 1,05 nghìn tỷ Yên, tương đương 9,7 tỷ USD, cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Ông Akio Toyoda, Tổng giám đốc (CEO) Toyota và cũng là cháu nội của nhà sáng lập hãng, không giấu diếm chiếm lược đưa Toyota chuyển mình thành một nhà cung cấp dịch vụ di chuyển, từ chỗ là một hãng sản xuất xe truyền thống.

Ông Akio Toyoda, Tổng giám đốc (CEO) Toyota - Ảnh: Bloomberg.
Ông Akio Toyoda, Tổng giám đốc (CEO) Toyota - Ảnh: Bloomberg.

“Sứ mệnh thực sự của tôi là thay đổi hoàn toàn Toyota, đưa Toyota trở thành một công ty về di chuyển”, ông Toyoda nói hồi tháng 5. Ông giải thích điều này có nghĩa là Toyota sẽ không chỉ sản xuất các sản phẩm giúp con người di chuyển, mà cung cấp “tất cả các dịch vụ liên quan đến di chuyển”.

Lĩnh vực gọi xe

Để đạt mục tiêu này, Toyota đã liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe mạnh nhất khu vực và thế giới, đưa phần cứng và phần mềm của hãng vào các dịch vụ của họ. Hãng hiện đã là nhà đầu tư lớn trong 3 ứng dụng gọi xe hàng đầu, gồm Uber của Mỹ, Didi Chuxing của Trung Quốc, và Grab của Đông Nam Á.

Tại Nhật Bản, Toyota bắt tay với SoftBank - nhà đầu tư đã mạnh tay rót vốn vào cả ba công ty gọi xe trên - để bơm tiền vào một công ty khởi nghiệp nữa trong lĩnh vực dịch vụ di chuyển là Monet Technologies. Toyota và SoftBank tin rằng Monet có thể phát triển thành dạng một dạng doanh nghiệp mới liên quan đến lĩnh vực vận tải. Chẳng hạn, họ dự định thiết kế ra những chiếc xe giao hàng bữa ăn có thể làm bữa ngay trên đường đi tới địa chỉ của khách hàng, hoặc những bệnh viện di động cung cấp dịch vụ khám bệnh.

Các đối thủ của Toyota cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn. Vào năm 2016, hãng xe Mỹ General Motors (GM) đã đầu tư 500 triệu USD vào Lyft, đối thủ lớn nhất tại Mỹ của Uber. Bộ phận Cruise Automation của GM đang theo đuổi chương trình taxi không người lái.

Hai hãng xe Đức Daimer và BMW đã sáp nhập mảng chia sẻ xe của nhau trong năm nay, sau khi thâu tóm một loạt công ty khởi nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực chia sẻ xe.

Điện hóa xe

Toyota là công ty đi đầu trong lĩnh vực xe chạy điện, với sản phẩm xe lai (hybrid) Prius. Tuy nhiên, cho tới nay, hãng chưa cho ra bất kỳ sản phẩm xe chạy điện nào dành cho thị trường đại chúng. Cũng giống như Volkswagen và các hãng xe lớn khác, sự trì hoãn này của Toyota chẳng qua là “ém mình chờ thời”. Điều này sẽ thay đổi vào năm 2020, khi Toyota dự kiến tung ra mẫu đầu tiên trong 6 mẫu xe chạy điện mà hãng dự kiến ra mắt đến hết năm 2025.

Để có đủ pin cho xe chạy điện, Toyota gần đây đã đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất pin. Hãng quyết liệt chạy đua với các đối thủ để đảm bảo nguồn cung pin cho xe điện và xe hybrid. Volkswagen và Daimer đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào lĩnh vực pin xe.

Mới đây nhất, trong tháng 7, Toyota lần lượt công bố thỏa thuận hợp tác về pin xe với hai công ty Trung Quốc là Contemporary Amperex Technology và BYD. Ngoài ra, hãng còn hợp tác với các nhà cung cấp pin khác gồm Toyota, GS Yuasa, Toyota Industries, và Panasonic.

Bên cạnh đó, Toyota đã lập một liên minh với các hãng xe đồng hương gồm Mazda, Suzuki và Subaru và một số công ty sản xuất phụ tùng để phát triển một nền tảng cho xe chạy điện, với niềm tin rằng nỗ lực chung này sẽ giúp tiết kiệm chi phí.

Đầu năm nay, Toyota đã đẩy nhanh mục tiêu doanh số xe chạy điện cho 5 năm tới. Công ty dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu 5,5 triệu xe chạy điện trên toàn cầu mỗi năm, thay vì đến năm 2030 như dự báo trước đó.

Nhiên liệu hydro (fuel cell)

Toyota đặt cược vào tế bào nhiên liệu (fuel cell), tức công nghệ nhiên liệu hydro, từ nhiều năm trước, tin rằng hydro sẽ thay thế pin truyền thống trong việc lưu trữ và truyền tải điện cho xe hơi. Tuy nhiên, mức độ phức tạp và chi phí phát triển tốn kém của công nghệ này đã khiến hầu hết các đối thủ của Toyota ngần ngại. Ba năm sau khi Toyota giới thiệu mẫu xe chạy hydro có tên Mira, mẫu xe này vẫn còn khá hiếm ngay cả ở Nhật.

Dù vậy, Toyota vẫn duy trì việc phát triển xe sử dụng tế bào nhiên liệu, với hy vọng sự quan tâm của người Trung Quốc vào loại xe này sẽ tạo ra một thị trường lớn hơn. Hồi tháng 4, Toyota tuyên bố sẽ hợp tác với hai hãng xe tải Trung Quốc Beiqi Foton và Beijing SinoHytech để phát triển xe thương mại chạy hydro. Tháng 7, hãng ký thỏa thuận tương tự với China FAW Group và Higer Bus để cung cấp hệ thống tế bào nhiên liệu.

Xe hybrid

Sau nhiều năm giữ công nghệ xe hybrid ở Nhật Bản, Mỹ và một số thị trường phát triển khác, Toyota hiện đang tìm cách khai phá những thị trường mới. Hãng sẽ cung cấp hệ thống hybrid của cho Suzuki trên toàn cầu, còn Suzuki sẽ bán các sản phẩm xe hạng nhỏ (compact) của hãng thông qua Toyota tại thị trường Ấn Độ và châu Phi - theo thỏa thuận mà hai bên công bố hồi tháng 3. Hai hãng cũng sẽ cùng nhau phát triển một sản phẩm xe đa dụng để bán ở thị trường Ấn Độ.

Ngoài ra, Toyota đang cân nhắc chia sẻ công nghệ động cơ xe hybrid với các nhà sản xuất Trung Quốc để đuổi kịp các đối thủ khác tại thị trường xe lớn nhất thế giới này. Hãng hiện đang thúc đẩy đàm phán về kế hoạch này với hãng Geely của Trung Quốc.

Toyota sẽ hưởng lợi nếu Trung Quốc nới lỏng các quy định về khí thải theo hướng cho phép xe hybrid có mức khí thải thấp sẽ không bị kiểm soát gát gao như xe chạy xăng. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện đang cân nhắc quy định theo đó tính mức độ gây ô nhiễm của xe có lượng khí thải siêu thấp chỉ bằng 1/5 so với một xe chạy xăng bình thường.

Các hãng xe Trung Quốc chiếm đa số trong các đối tác mới của Toyota, bởi hãng muốn đuổi kịp Volkswagen và GM tại thị trường Trung Quốc trong thập kỷ tới. Năm ngoái, Trung Quốc đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của Toyota, và điều này được dự báo sẽ lặp lại trong năm nay, nhờ hãng có những sản phẩm mới cho thị trường này. Đặc biệt, dòng xe sang Lexus của Toyota hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm thuế quan cho ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Xe hơi có kết nối

Dù Toyota chậm chân hơn GM và các đối thủ châu Âu, mảng thông tin kỹ thuật số đã trở thành một thành phần trọng tâm, dù ít nổi bật hơn, trong tầm nhìn của hãng cho tương lai.

Ngày nay, ôtô đang tạo ra nhiều hơn bao giờ hết dữ liệu có thể được chia sẻ để tăng cường sự an toàn, theo dõi các điều kiện trên đường và hỗ trợ người dùng. Chẳng hạn, các nhà sản xuất dự báo rằng trong tương lai, các vụ đâm xe sẽ trở nên hiếm hơn vì xe tự lái sẽ được lập trình để tránh nhau.

Toyota đang nỗ lực để đi tới mục tiêu 70% xe mới của hãng là xe có kết nối toàn cầu vào năm 2020, trong đó phần lớn là xe tại hai thị trường Mỹ và Nhật Bản. Các hãng xe hiện đã sử dụng công nghệ điện toán đám mây để tạo doanh thu bằng các dịch vụ như bảo hiểm ôtô thông qua thiết bị viễn thông vận tải (telematics) và chia sẻ xe.

Toyota đã bàn đến chuyệnn sử dụng dữ liệu để thông báo cho các đại lý xe về việc khi nào xe cần sửa chữa, cung cấp thông tin về đường xá và điều kiện giao thông cho các dự án thành phố thông minh, và báo tin cho các nhà báo lẻ về việc khách hàng của họ đến từ đâu để quảng cáo đúng đối tượng hơn.

Kế hoạch Mặt Trăng

Toyota muốn trở thành hãng sản xuất ôtô đầu tiên trên thế giới đặt chân lên Mặt Trăng. Cùng với Cơ quan Thăm dò không gian Nhật Bản (JAXA), Toyota đang dự kiến chế tạo một thiết bị vận chuyển tự hành có 6 bánh có thể đưa hai người di chuyển quãng đường 10.000 km. JAXA và Toyota có kế hoạch đưa một xe tự hành như vậy lên Mặt Trăng vào năm 2029.

Xe tự hành trên Mặt Trăng do Toyota và JAXA thi ết kế.
Xe tự hành trên Mặt Trăng do Toyota và JAXA thi ết kế.

Thiết bị sẽ sử dụng tia mặt trời và tế bào nhiên liệu để sản sinh và tích trữ năng lượng. Xe tự hành Mặt Trăng này cũng sẽ đủ lớn để nhà du hành có thể thay quần áo và sống trong đó trong khi thăm dò bề mặt của Mặt Trăng.

“Ông Toyoda quyết tâm đưa công ty của ông ấy thành một công ty về di chuyển, từ chỗ là một doanh nghiệp hướng về phần cứng thông thường”, nhà phân tích Koji Endo thuộc SBI Securities nhận định. “Còn phải chờ xem liệu Toyota có thể thắng trong cuộc cạnh tranh và giữa những thay đổi trong mô hình kinh doanh, nhưng có vẻ như lãnh đạo hãng đã quyết tâm đi theo hướng này”.

Bloomberg

Tags: Toyota

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.