Bức tranh về ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu lại một lần nữa được Bộ Công Thương đưa ra, khi đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động của đại dịch COVID-19.
Theo đó, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ sớm được xem xét, thống nhất phương án sửa đổi, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước. Đó là một trong những nội dung được Bộ Công Thương đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.
Bộ Công Thương cho biết Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt với ô tô sẽ nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam. Những nội dung này sẽ được Bộ trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp gần nhất.
Có thể nói, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường, đang có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới thị trường khu vực. Chẳng hạn, vừa qua Thaco đã có những lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Thái Lan hay sang Myanmar.
Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng cũng đang từng bước khẳng định chỗ đứng của ô tô Việt trên thị trường. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam về lượng xe mới đăng ký lăn bánh, VinFast có 5.124 xe, xếp thứ 5 về doanh số trong quý I/2020.
Tuy nhiên, nếu xét về tương quan thị trường giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, xe trong nước vẫn đang phải chịu những bất lợi lớn về giá thành, các linh kiện phụ trợ.
Chính vì thế, mục đích của việc sửa đội Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lần này là nhằm khắc phục bất lợi về giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu. Theo lý giải của Bộ Công thương, do quy mô sản xuất nhỏ, cùng với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước kém phát triển khiến giá thành ô tô sản xuất trong nước cao hơn so với ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN.
Chính sách sẽ nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ô tô nội địa - đặc biệt là ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi - trong bối cảnh các công cụ bảo hộ bằng thuế quan, hàng rào kỹ thuật đã được gỡ bỏ và sức ép của ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN ngày càng quyết liệt.
Năm 2019, lượng ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi nhập khẩu về Việt Nam tăng gần 85% so với năm 2018. Đối với năm 2020, số liệu mới nhất từ báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, ước tính trong 4/2020 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 6.000 ô tô nguyên chiếc, giá trị kim ngạch ước đạt 152 triệu USD. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt 32.673 chiếc với giá trị kim ngạch là 710 triệu USD.
Thái Lan và Indonesia vẫn là hai thị trường nhập khẩu ô tô chính của Việt Nam, chiếm tới 94% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng.
Ngoài ra, thị trường ô tô Việt Nam đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), so với cùng kỳ năm ngoái, tổng số ô tô bán ra tại Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm mạnh ở mọi phân khúc, từ xe du lịch đến xe thương mại, từ xe lắp ráp đến xe nhập khẩu. Tính đến hết tháng 3/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28% trong khi xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kì năm ngoái.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ô tô do COVID-19 gây ra, Bộ Công Thương cũng như VAMA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước đến hết 2020.
Dù vậy, Bộ Tài chính đã không đồng tình với đề xuất này với lý do “nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu”.