Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực của Mazda nhằm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ sự tăng giá của đồng Baht Thái so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Tờ báo Nhật Nikkei Asian Review cho biết Mazda sẽ chuyển sản xuất mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) CX-3 dành cho thị trường Australia từ Thái Lan về một nhà máy ở thành phố Hofu thuộc miền Tây Nhật Bản. Việc chuyển sản xuất này có thể diễn ra sớm nhất trong tháng 12. CX-3 đến nay vẫn là một trong những mẫu xe xuất khẩu chủ lực của Mazda từ Thái Lan.
Nhà máy của Mazda ở Thái Lan có công suất sản lượng hàng năm khoảng 135.000 xe, bao gồm 25.000 xe CX-3, trong đó có 14.000 xe được xuất khẩu sang Australia. Việc chuyển sản xuất CX-3 từ Thái Lan về Hofu sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.
Năm nay, đồng Baht của Thái Lan là một trong những đồng tiền thị trường mới nổi tăng giá mạnh nhất, chủ yếu do thặng dư tài khoản vãng lai của nước này. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung, nhiều nhà đầu tư mua Baht và trái phiếu Thái Lan như một tài sản an toàn.
Nếu so với thời điểm đầu năm, Baht đã tăng giá khoảng 8% so với đồng Đôla Australia và khoảng 6% so với đồng USD. Để chống lại sự tăng giá của Baht, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã phải hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục, đồng thời nới các biện pháp kiểm soát dòng vốn chảy ra.
Theo lý thuyết kinh tế, đồng tiền của một quốc gia tăng giá sẽ gây suy giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ nước đó, bởi khiến giá cả của hàng hóa sản xuất tại quốc gia đó tăng lên khi bán ở nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh thu từ nước ngoài chuyển về quốc gia đó cũng suy giảm khi chuyển đổi sang nội tệ.
Quyết định trên của Mazda nằm trong xu hướng các hãng xe vội vã điều chỉnh chiến lược để tự vệ trước sự tăng giá của Baht. Mùa hè năm nay, hãng General Motors (GM) cắt giảm 300 công việc ở Thái Lan, đồng thời sản lượng của hãng ở Thái trong 10 tháng đầu năm nay giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan là một trung tâm sản xuất của các hãng ô tô Nhật Bản - lực lượng giữ vị trí thống lĩnh tại thị trường xe Đông Nam Á. Toyota, Honda, Nissan, Mazda và Isuzu đều có nhà máy ở Thái Lan.
Năm 2018, có tổng cộng 2,16 triệu xe được sản xuất ở Thái Lan, trong đó một nửa được xuất khẩu.
Giới ngân hàng Thái Lan dự báo Baht sẽ còn tăng giá thêm, đặt ra mối lo rằng nhiều hãng xe khác có thể hành động tương tự như Mazda.
Biến động tỷ giá đồng Baht khiến lợi nhuận hoạt động của Mazda hao hụt 37,5 tỷ Yên, tương đương 343 triệu USD, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay. Cùng kỳ, Toyota thiệt hại 90 tỷ Yên và Honda mất 50 tỷ Yên vì cùng lý do. Mitsubihi cũng chứng kiến sự mất mát lợi nhuận 22,2 tỷ Yên trong 6 tháng vì nguyên nhân này.
“Chúng tôi vẫn xuất khẩu 80% lượng xe sản xuất ở Thái Lan, nhưng tình hình hiện nay buộc chúng tôi phải bán xe tại Thái Lan nhiều hơn”, Giám đốc tài chính Koji Ikeya của Mitsubishi nói.
Isuzu, hãng sản xuất xe bản tải tại Thái Lan và xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, cùng cảnh ngộ thiệt hại vì biến động tỷ giá đồng Baht. “Chúng tôi xuất khẩu xe từ Thái Lan sang khoảng 120 quốc gia. Lợi nhuận của hoạt động kinh doanh tại Thái Lan đã giảm nhiều vì đồng Baht tăng giá”, Chủ tịch Isuzu, ông Masanori Katayama, cho hay.
Mazda hiện đã cắt giảm dự báo lợi nhuận hoạt động cả năm về 60 tỷ Yên từ dự báo ban đầu là 110 tỷ Yên. Trong đó, hãng cho rằng biến động tỷ giá khiến hãng thiệt hại gần 80 tỷ Yên.
Ngoài vấn đề tỷ giá, nhu cầu ô tô suy giảm ở Trung Quốc và nhiều thị trường khác do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi trong năm nay cũng là một nguồn áp lực đối với lợi nhuận của các hãng xe.