Chuyên gia nói gì về trường hợp xe đổ nhầm xăng vào dầu?
Mới đây, sự việc chiếc ô tô hiệu Ford Everest bốc khói tại Km 20 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được tài khoản L.T.H chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến nhiều người quan tâm, tranh luận.
Theo đó, khi anh L.T.H lưu thông trên đường thì thấy chiếc xe con đã bốc khói nghi ngút. Nguyên nhân được tài khoản này cho rằng chiếc Everest bị đổ nhầm xăng vào ô tô máy dầu khiến xe không thể tắt máy, vòng tua cao, văng các chi tiết động cơ ra và khả năng cháy lúc đó là rất cao.
Đổ nhầm nhiên liệu có thể gây cháy ô tô hay không?
Chiếc xe Ford Everest bốc khói trắng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào ngày mùng 3 Tết.
“Khi xăng đổ vào bình dầu, xăng nổi lên trên và cụ vẫn đi được cho đến khi dầu hết hẳn, xăng sẽ vào buồng đốt và với chỉ số tự kích nổ lớn hơn dầu, xăng sẽ khiến xe cụ nổ với tua máy khoảng 10.000-15.000 vòng/phút (với động cơ Methanol vòng tua lên 20.000 vòng/phút).
Ngay gần động cơ có một cái cốc tròn tròn… đó là lọc dầu, bóp cái khoá ống bằng thép và rút ống dẫn dầu ra khỏi cốc lọc… xe sẽ tắt máy sau khi hết dầu trong cốc. Chia buồn với cụ chủ hôm nay là xe bị 15 phút em mới tới giúp nên động cơ của cụ sẽ phải đại tu lại… Nếu cụ biết thông tin này thì xe cụ sẽ bị hỏng nhẹ hơn… dù sao cũng còn may vì xe không bị thiêu rụi", tài khoản L.T.H chia sẻ trên một nhóm về ô tô.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, rất nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình và cảm ơn “chủ thớt” đã chia sẻ kinh nghiệm quý trên đường.
Tuy vậy, không ít chuyên gia cho rằng, nhiều chi tiết trong bài viết của tài khoản L.T.H là không chính xác và chiếc Everest nói trên không thể bị cháy do đổ nhầm xăng vào dầu.
Anh Lê Thành - Quản trị viên diễn đàn Otofun cho rằng, khi đổ xăng với dầu vào nhau, hai nhiên liệu này trộn lẫn chứ không tách ra thành hai lớp như đổ dầu vào nước.
“Việc đổ nhầm xăng vào bình dầu, cháy hết dầu đến xăng, nên tắt máy rút chìa không thể khiến cho máy tắt thì đây là cái sai cơ bản. Tắt máy là tức là ngắt dòng nhiên liệu, nghĩa là chả còn nguồn cung thì bố động cơ nào nổ được, trừ trường hợp bị hỏng”, anh Lê Thành phân tích.
Vị chuyên gia này cho biết thêm: “Động cơ diesel có một bệnh gọi là diesel runaway. Bệnh này có nhiều nguyên nhân. Như với trường hợp trên, khả năng rất cao là do turbo chảy nhớt vào buồng đốt. Nhớt vẫn có thể cháy, nhưng ra nhiều khói trắng. Đổ nhầm xăng vào máy dầu, cháy lẫn cũng có thể ra khói trắng mù mịt. Nhưng tác hại của nó không như bài này nói. Và không thể dẫn đến việc cháy xe”.
Đồng tình với ý kiến trên, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại cho rằng, nguyên tắc xe máy dầu là nén nổ còn xăng là dùng tia lửa điện để kích nổ. Việc đổ nhầm xăng vào xe máy dầu có thể dẫn tới hiện tượng bốc khói nhưng không thể gây cháy xe như bài chia sẻ trên mạng xã hội.
"Nếu đổ nhầm nhiên liệu thì lúc này xe rất khó nổ chứ chưa nói đến việc có thể đạt vòng tua máy "khủng" 10-15 nghìn vòng/phút được. Do vậy, nguyên nhân này gần như bị loại trừ", anh Đại chia sẻ với VietNamNet.
Đổ nhầm nhiên liệu có thể dẫn đến hỏng hóc nguy hiểm cho ô tô
Kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại cho rằng, nếu đổ nhầm xăng vào dầu như trong trường hợp trên thì xe vẫn chạy bình thường được vài km nhưng do xăng có chỉ số kích nổ cao (octane cao) nên không có hiện tượng tự kích nổ. Điều này dẫn đến máy rất ồn, yếu rồi chết máy hẳn và không khởi động lại được.
Còn trường hợp sau khi đổ nhầm nhiên liệu và để xe dừng lâu mới khởi động thì xe sẽ khó nổ và nhanh chóng chết máy, đồng thời gây khói. Lúc này, lượng dầu và xăng đã hoà lẫn với nhau và cùng đưa vào buồng đốt.
Dù các chuyên gia cho rằng, đổ nhầm nhiên liệu rất khó có thể gây cháy nổ cho xe, tuy nhiên tất cả đều khẳng định đây là việc rất nguy hiểm và có thể để lại hậu quả nặng nề cho ô tô.
Theo kỹ sư Lê Hồng Đại, hỏng hóc nghiêm trọng nhất do việc bơm nhầm xăng vào động cơ diesel là hiện tượng nóng và bó máy, nặng hơn có thể gây gãy trục cơ hoặc vỡ lốc máy dẫn tới phải thay cả động cơ. Khi đó, chi phí khắc phục sẽ là rất tốn kém, có thể từ vài chục đến vài trăm triệu tuỳ vào từng loại xe.
Do vậy, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên, ngay khi phát hiện ra đổ nhầm dầu vào xăng thì không được khởi động máy hoặc dừng xe tắt máy ngay lập tức. Đồng thời, gọi xe kéo về gara xúc rửa lại toàn bộ hệ thống nhiên liệu, thay lọc xăng, kiểm tra bu-gi, xúc rửa buồng đốt và đổ xăng mới nổ thử.
"Nếu nổ máy và động cơ hoạt động bình thường là được. Tuy nhiên lúc này vẫn có thể có khói trắng bốc ra vì đã có 1 lượng xăng và dầu hoà trộn với nhau mà quá trình xúc rửa chưa hết được", kỹ sư Đại nói.
Việc xúc rửa, vệ sinh này khá phức tạp nhưng giúp chiếc xe an toàn, tránh hỏng hóc. Chi phí cho các công đoạn này tại nhiều gara hiện nay trung bình khoảng 2-3 triệu đồng, vẫn quá rẻ so với việc phải sửa chữa, đại tu động cơ bị hỏng hóc nghiêm trọng.