Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Chính vì thế, trong những ngày qua đã có rất nhiều trường hợp bị phạt do nồng độ cồn cao hơn quy định. Do những ngày đầu xử phạt theo luật mới, nên đã có một số trường hợp “cười ra nước mắt” với các tài xế.
Bị phạt nặng, vứt luôn xe lại cho lực lượng chức năng
Có trường hợp, khi biết bị giam xe và phạt tiền đến 8 triệu đồng, nhiều người vi phạm đã "nổi giận", bất hợp tác và thậm chí vứt cả xe lại cho lực lượng chức năng.
Theo báo Lao Động, đêm 2.1, lực lượng CSGT Công an TPHCM phối hợp cùng cảnh sát cơ động tổ chức nhiều điểm chốt chặn xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Anh Khẩu Bình Luận (quê Bến Tre) điều khiển xe máy lưu thông từ vòng xoay Điện Biên Phủ về hướng cầu Sài Gòn. Khi đến ngã tư Hàng Xanh, (quận Bình Thạnh), anh Luận bị lực lượng chức năng kiểm tra đo nồng độ cồn và đo được mức cao lên đến 0,94 mg/lít khí thở. Sau khi nghe lực lượng chức năng thông báo tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe 23 tháng và phạt tiền lên đến 8 triệu đồng thì anh Luận bắt đầu tỏ thái độ tức giận, bất hợp tác khi không ký vào biên bản và bỏ xe đi bộ về. Lúc này, lực lượng chức năng phải mời công an phường đến lập biên bản, niêm phong xe và đưa về đồn để xử lý theo quy định.
Trong khi đó, báo VietNamNet kể về trường hợp ông L.H.H. (SN 1953, ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) khi bị kiểm tra nồng độ cồn tại ngã tư Xuân Thủy - Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), đã không hợp tác, tự xưng là tiến sĩ, làm vụ trưởng ở Bộ GD-ĐT và 'dọa' gọi cho Bộ trưởng.
Mặc dù thú nhận mình đã uống bia, rượu, tuy nhiên ông L.H.H không chấp hành đo nồng độ cồn. Suốt nhiều giờ, bất chấp lực lượng CSGT đã thuyết phục, tuyên truyền về luật, người đàn ông này vẫn không chịu hợp tác, liên tục to tiếng với lực lượng CSGT, giằng co phương tiện.
Cuối cùng, Đội CSGT số 6 đã lập biên bản, xử phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Chỉ vì “ham vui”, tài xế ô tô bị phạt 35 triệu, tước bằng lái 2 năm
Mặc dù đã biết trước quy định, song một số người vẫn “tặc lưỡi”. Và thế là sau cái “tặc lưỡi” đó, họ đã bị phạt năng theo đúng quy định. Cafebiz.vn đưa tin, lái xe Lê Khắc T chạy trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình chiều 2/1, sau khi bị dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, kết quả cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở, cụ thể là 0,719 ml/l khí thở, tương đương khung xử phạt vi phạm hành chính số tiền 35 triệu đồng căn cứ theo Nghị định số 100, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, tài xế sẽ bị tước GPLX từ 22-24 tháng và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ xe ô tô đến 7 ngày.
Nhà hàng, quán nhậu bắt đầu “tung chiêu”
Sau khi Nghị định 100 được áp dụng, nhiều người dân bắt đầu cân nhắc việc sử dụng rượu bia khi lái xe; các nhà hàng, quán nhậu “tung chiêu” để khách nhậu không bỏ quán.
Cụ thể, một số nhà hàng bắt đầu có dịch vụ … sau cuộc nhậu. Nhà hàng sẽ chuẩn bị xe máy, ô tô và bố trí nhân viên túc trực để đưa khách trở về nhà sau cuộc nhậu.
“Sau khi khách nhậu ở quán, nhân viên sẽ đến gặp tư vấn rằng quán có dịch vụ đưa khách về bằng chính xe của khách hoặc xe của nhà hàng để đảm bảo khách được trở về nhà an toàn sau khi sử dụng rượu, bia”, chủ một nhà hàng ở TP.HCM cho biết trên báo Tiền Phong.
Ngoài ra, các nhà hàng cũng chuẩn bị sẵn bãi giữ xe qua đêm để khi khách nhậu có nhu cầu sẽ bố trí nhân viên chở về hoặc đặt taxi công nghệ đưa khách về nhà. Còn phương tiện sẽ để lại tại bãi giữ xe của quán, ngày hôm sau khách có thể đến lấy mà không mất phí giữ xe.
Sau khi uống rượu, bia bao lâu thì có thể lái xe?
Nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bao lâu cơ thể không còn nồng độ cồn, có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.
Trên Zing.vn, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay thời gian từ lúc uống bia rượu đến lúc cơ thể âm tính với nồng độ cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:
- Lượng rượu, nồng độ rượu tiêu thụ: Người uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao. Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ.
- Thời điểm uống rượu: Cơ thể càng đói hấp thu rượu càng nhanh. Khi có thức ăn, quá trình hấp thu chậm hơn.
- Người uống kéo dài, triền miên, rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn.
- Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn.
"Thời gian chuyển hóa nồng độ cồn trong mỗi cơ thể là khác nhau. Vì vậy, không ai biết chắc chắn thời gian bao lâu thì rượu sẽ âm tính trong máu. Người dân phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước, đến tối hôm sau vẫn còn dương tính cồn trong máu và hơi thở”, bác sĩ Nguyên cho hay.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cũng cho hay thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau một giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo.
Như vậy, khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2-3 giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn.
Thông thường, trong các cuộc nhậu, số lượng uống vượt xa con số một đơn vị cồn. Do đó, để có thể tự lái xe và không bị phạt, người dân cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.
Ăn hoa quả cũng có thể bị phạt nồng độ cồn?
Liên quan đến vấn đề nồng độ cồn trong máu, hơi thở, mấy ngày qua nhiều người xôn xao chuyện nếu một người ăn hoa quả, cụ thể như những loại quả ngọt, dễ lên men như vải, nhãn, sầu riêng hoặc uống các loại nước syro, nước trái cây lên men công nghiệp, thì hơi thở cũng có “mùi rượu”.
Và tất nhiên, “chiểu” đúng luật thì cứ có nồng độ là bị phạt. Và máy đo của CSGT … không có tai để nghe trình bày. Báo Lao Động cho hay trên truyền hình, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, đại ý: Cho dù ăn hoa quả thức ăn thì nồng độ cồn vẫn là nồng độ cồn. Với lý do “đã là luật thì khó hài hòa hết lợi ích”, ông Tùng khuyên người dân nên nắm rõ loại hoa quả, thực phẩm nào có nồng độ cồn để tránh khi lái xe!