Cụ thể, điều 27 tại dự thảo quy định phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối, có sương mù, thời tiết xấu gây hạn chế tầm nhìn phải bật sáng đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn sương mù (nếu có), đèn chiếu hậu, đèn định vị.
Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần (tắt đèn pha) khi lưu thông qua các khu vực dân cư có hệ thống chiếu sáng, khi xe xin vượt chuẩn bị vượt, để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại.
Trong đó, điểm 3 của điều 27 quy định xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn như thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau, kể cả vào ban ngày.
Để ra quy định này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã tham khảo Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước Viên 1968). Theo công ước này, việc bật đèn xe máy cả ngày sẽ làm tăng nhận diện, giúp giảm tai nạn khi người điều khiển ô tô có thể dễ dàng nhận diện các phương tiện lưu thông. Đặc biệt đối với “điểm mù tử thần” của xe tải, xe container. Khi xe máy đi vào điểm mù, lái xe tải thường khó phát hiện ra. Việc bật đèn sẽ giảm thiểu các hạn chế này.
Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Giao thông Vận tải đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng việc bật đèn xe máy “100% thời gian khi lưu thông” chỉ phù hợp với các nước châu Âu, nơi có nhiều sương mù, ánh sáng ban ngày không đủ để nhận diện.
Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, thời tiết vào mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao. Nếu bật đèn sẽ gây chói mắt những người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Chưa kể, việc bật đèn cả ngày sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc bật đèn xe máy cả ngày không hề gây tốn nhiên liệu, tăng khí thải cho môi trường. Bởi vì, tỷ lệ tiêu hao nhiên liệu do bật đèn “quá thấp, không đo lường được”. Chưa kể, hiện các nhà sản xuất đều sử dụng loại bóng đèn tốt, không tiêu hao nhiên liệu và không ảnh hưởng tới sự vận hành của động cơ xe.
Các loại xe máy nhập khẩu về Việt Nam như Honda SH hay Lead, đều trang bị đèn tự động phía trước, không có công tắc đèn. Những mẫu xe này cứ nổ máy là đèn bật và sẽ chiếu sáng liên tục khi xe hoạt động.
Hiện tại, nếu xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Được biết, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về giao thông vào 20/8/2014 và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung trong công ước quốc tế. Trong khu vực ASEAN, đã có 7/10 nước quy định bật đèn chiếu sáng phía trước khi lưu thông. Chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và Việt Nam chưa thực hiện quy định này.
Dự kiến, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.