Chuyện Bucharest, thủ đô tắc đường số 1 châu Âu

Phương Vy

8h30 sáng, Valentin Mihai - với khuôn mặt tỏ vẻ dũng cảm - điều khiển chiếc Volkswagen Golf nhích qua dinh thự khổng lồ của nhà cựu lãnh đạo Nicolae Ceausescu, tòa nhà lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Lầu Năm Góc.

Giao thông ở Bucharest, Romania.
Giao thông ở Bucharest, Romania.

Do tuyết rơi bất thường, thủ đô Bucharest của Romania đang bị bao phủ bởi một lớp tuyết dày chừng 3-5 cm, nhưng điều đó không gây nhiều khác biệt. “Vào giờ này, cho dù có tuyết hay không, giao thông đều chậm chạp”, Mihai - một tài xế Uber - nói với phóng viên Bloomberg. “Tôi không biết dùng từ ngữ nào để tả nữa”.

Hơn ba thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Ceausescu bị lật đổ, những công trình đồ sộ và thiếu quy hoạch hợp lý mà nhà cựu lãnh đạo để lại đã góp phầnbiến Bucharest thành thủ đô có mức độ tắc đường nghiêm trọng nhất trong Liên minh châu Âu (EU) trong 3 năm qua. So với các thành phố lớn khác ở châu Âu, Bucharest tụt hậu ít nhất 10 năm trong việc xử lý một trong những vấn đề đô thị cấp bách nhất: nạn tắc đường và ô nhiễm.

Tuy nhiên, dường như không có một giải pháp nào khả thi. Hôm 25/2, do sự phản đối của công chúng, thị trưởng Bucharest buộc phải hủy một kế hoạch áp thuế được đưa ra nhằm giảm số lượng ô tô ở khu vực trung tâm thành phố.

Trên khắp châu Âu đại lục, chưa từng có một nhà lãnh đạo nào chỉ huy việc quy hoạch thành phố như Ceausescu từng làm. Sau quy hoạch sai lầm là sự phát triển bùng nổ của ô tô ở Budapest. Kết hợp thêm nữa là sự bùng nổ của hoạt động xây dựng và dân di cư ồ ạt đổ tới thủ đô - nơi được xem là đầu tàu phát triển kinh tế đất nước. Và hệ quả là mỗi ngày thành phố có nhiều giờ giao thông tê liệt.

Tính bình quân, tắc đường nghiêm trọng ở Bucharest khiến mỗi tài xế thiệt hại 9 ngày và 11 giờ mỗi năm, tương đương với lượng thời gian mà nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất của Romania cần để sản xuất 15.600 chiếc xe. Tắc đường làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp giao hàng, vận tải hàng hóa và taxi, đồng thời gây tổn hại sức khỏe người dân và đe dọa cản trở hoạt động đầu tư.

Dòng ô tô di chuyển chậm chạp qua tòa nhà Quốc hội trong giờ cao điểm buổi sáng ở Bucharest, Romania - Ảnh: Bloomberg.
Dòng ô tô di chuyển chậm chạp qua tòa nhà Quốc hội trong giờ cao điểm buổi sáng ở Bucharest, Romania - Ảnh: Bloomberg.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, số người mắc các bệnh đường hô hấp như hen suyễn ở Bucharest tăng gấp 3 lần, mà nguyên nhân chủ yếu chính là ô nhiễm giao thông - bà Beatric Mahler, Giám đốc Viện Phổi thành phố, cho hay.

Tập đoàn Ericsson AB sẽ không chọn Bucharest làm nơi mở văn phòng mới vì nạn tắc đường ở thành phố này, theo ông Dragos Rebegea - Tổng giám đốc Ericsson tại Romania. “Chúng tôi có những đồng nghiệp mất 2-3 giờ đồng hồ mỗi ngày để đi lại”, ông Rebegea nói với truyền thông địa phương. “Mọi người nên tới cơ quan làm với một nguồn năng lượng tích cực, chứ không phải là sau khi bị mắc kẹt trong giao thông như vậy”.

Năm nay, chính quyền Bucharest có kế hoạch chi 518 triệu Euro, tương đương 563 USD, cho các dự án cải thiện tình hình giao thông và chống ô nhiễm. Các kế hoạch này bao gồm bảo trì hệ thống đường và trợ cấp giao thông công cộng. Sau khi sắm 400 xe bus chạy dầu diesel cách đây 2 năm, chính quyền dự định mua thêm 130 xe bus hybrid.

Ngoài ra, chính quyền Bucharest cũng có một kế hoạch áp thuế gọi là “thuế oxy”, nhằm vào những ô tô có mức độ gây ô nhiễm lớn. Lẽ ra thuế này đã được thực thi từ ngày 1/1, nhưng thị trường Gabriela Firea nói rằng sự phản đối của người dân là quá lớn nên kế hoạch đã bị hủy. Nếu được thực thi, thuế sẽ áp lên khoảng 13% số người sở hữu ô tô ở Bucharest, ước tính mỗi người phải trả tới 420 USD mỗi năm.

“Rõ ràng là người dân vẫn muốn có những chiếc xe gây ô nhiễm ra đường”, bà Firea nói. “Cuộc khảo sát đưa ra một câu trả lời rất rõ ràng: người dân phản đối ý định hạn chế xe. Họ chưa sẵn sàng chấp nhận một biện pháp đã rất thành công ở châu Âu”.

Ở thủ đô Budapest của Hungary và Sofia của Bungaria, xe điện là phương tiện giao thông công cộng phổ biến. Tuy nhiên, hình ảnh điển hình của Bucharest là một “biển” ô tô, với những chiếc xe bus bị mắc kẹt. Mạng lưới tàu điện ngầm hiện chỉ chiếm khoảng 4% giao thông công cộng ở Bucharest, và các kế hoạch mở rộng mạng lưới này đã bị trì hoãn suốt 20 năm.

Kể từ khi Ceausescu bị lật đổ vào năm 1989 đến nay, dân số Bucharest đã tăng gấp đôi và lượng ô tô tăng gấp 3. Đối với người Romania, xe hơi là một biểu tượng địa vị, bởi vào thời Ceausescu, họ phải đợi từ 5-7 năm mới mua được một ô tô hiệu Dacia do nhà nước sản xuất.

Theo dữ liệu của PricewaterhouseCoopers, số lượng ô tô ở Bucharest đạt 1,4 triệu chiếc vào năm 2014, gần bằng dân số của thành phố. Còn theo Uber, cứ 5 ô tô ở Bucharest mới có một chỗ đỗ.

“Ô tô là một phần thương hiệu cá nhân của người Romania. Đó là một thứ nhãn hiệu xã hội”, ông Mihaela Rus, Chủ tịch PsihoTrafiQAssociation of Psychology and Road Safety, một tổ chức nghiên cứu về giao thông, phát biểu.

Ở thời điểm hiện tại, những người kiếm sống dựa vào những con đường ở Bucharest không mong tình hình sớm được cải thiện. Hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Romania, eMag, là một trong số những công ty tự tạo một hệ thống bản đồ điện tử riêng để cảnh báo tài xế giao hàng về tắc đường.

Một nhân viên giao hàng của hãng thương mại điện tử eMag lái xe trong tình trạng tắc đường ở Bucharest, Romania - Ảnh: Bloomberg.
Một nhân viên giao hàng của hãng thương mại điện tử eMag lái xe trong tình trạng tắc đường ở Bucharest, Romania - Ảnh: Bloomberg.

Uber cũng đang phát triển công nghệ tương tự, thu thập các điểm dữ liệu giao thông nhằm đảm bảo tài xế đến điểm đóng đúng giờ - Giám đốc Uber tại Bucharest, bà Nicoleta Schroeder cho hay.

“Số lượng ô tô ở Bucharest rất lớn”, bà Schroeder nói và cho biết gia đình bà đã giảm số ô tô xuống còn một chiếc, thay vì mỗi người một xe như trước. “Giống như tất cả mọi người, tôi phải lên kế hoạch cuộc sống dựa vào tình hình giao thông”.

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.