Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup, cho biết theo kế hoạch, các lô linh kiện máy thở Không xâm nhập sẽ về đến các nhà máy của tập đoàn sau 2 tuần nữa.
Đáng chú ý là chỉ một ngày sau khi đủ linh kiện, nhà máy ô tô VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Ngoài máy thở không xâm nhập, VinGroup cũng đồng thời sản xuất loại máy thở Xâm nhập. Tuy nhiên, thời gian xuất xưởng loại máy thở này chậm hơn so với máy thở Không xâm nhập do các lô linh kiện phục vụ sản xuất loại máy này nhập khẩu về muộn hơn.
Bên cạnh đó, VinGroup cũng sẽ sản xuất máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng ra thị trường Việt Nam.
Có thể nói, đây là một quyết định thần tốc và quyết liệt của tập đoàn kinh tế đa ngành VinGroup. Bởi trước đó, chỉ cách đây vài ngày, vào trưa 30/3/2020, lãnh đạo VinGroup mới tiến hành triệu tập phiên họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả các Viện nghiên cứu của tập đoàn dừng hết các việc hàng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở.
Các đơn vị được giao trọng trách chủ lực là 2 viện nghiên cứu - thiết kế ô tô, Viện nghiên cứu Thiết bị Di động, Viện nghiên cứu - thiết kế Thiết bị Gia đình Thông minh, Viện nghiên cứu thiết kế Thiết bị Viễn thông, Viện nghiên cứu thiết kế Pin Thông minh, Nhà máy sản xuất Ô tô VinFast và Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử VinSmart.
Để thực hiện kế hoạch một cách thần tốc, toàn bộ các cán bộ lãnh đạo tập đoàn, các ban phòng chuyên môn được chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và được yêu cầu làm việc trực tiếp điện thoại 24/24.
Chỉ sau một ngày đêm, các đơn vị thuộc VinGroup đã tìm được rất nhiều đối tác sẵn sàng chia sẻ thiết kế và các thông tin cần thiết để có thể bắt đầu triển khai.
Ngay sau đó, VinGroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập nhãn hiệu P560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu Máy thở Không Xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Việc cung ứng được chia thành 2 nhóm: Nhóm các linh kiện có thể mua được trên thị trường và nhóm các linh kiện VinGroup phải tự chế tạo hoặc hợp tác/hỗ trợ các đối tác chế tạo do công suất sản xuất của họ đã hết.
“VinGroup có một lợi thế là hiện sở hữu 2 công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử. Vì vậy, chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí và các chi tiêt khó và hiếm hàng tại thời điểm này như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có các kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa các thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành các thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà sản xuất”, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn VinGroup, cho biết.
Theo thông tin được đại diện VinGroup chia sẻ, các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các Máy thở Không Xâm nhập khoảng 22 triệu đồng còn với máy Xâm nhập là 160 triệu đồng.
“Sau 5.000 máy được trao tặng, chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị tiếp theo cho Bộ Y Tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế, chi phí nhân công hay chi phí sản xuất… vào giá thành”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, chia sẻ.
“Ngoài ra, với công suất của các nhà máy VinFast và VinSmart, chúng tôi có thể sản xuất tới 45.000 Máy thở Không Xâm nhập và 10.000 Máy thở Xâm nhập mỗi tháng. Chúng tôi cũng có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ hoặc cung cấp một phần nhu cầu, số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác”.