VinFast và ô tô “Minh Trị” - Phần 1: Tạm ứng niềm tin

Hàng nghìn người tiêu dùng Việt đã “tạm ứng” niềm tin của mình khi đặt mua những chiếc ô tô VinFast đầu tiên.

Trước khi chính thức bán ra thị trường, VinFast đã có màn ra mắt tại triển lãm Paris Motor Show 2018.
Trước khi chính thức bán ra thị trường, VinFast đã có màn ra mắt tại triển lãm Paris Motor Show 2018.

Trong khu công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng) có những bãi biển rất hoang sơ. Nơi này có thể gọi là một “hoang mạc biển” cũng được, khi mà làm bãi tắm không thể đạt chuẩn, nuôi cá không được, nuôi tôm chẳng xong, trồng rừng ngập mặn cũng trầy trật.

Thế nhưng, VinFast lại chọn vị trí khó khăn nhất để xây dựng tổ hợp nhà máy công nghiệp ô tô, xe máy của mình. Để rồi, sau 21 tháng xây dựng, cụm nhà máy ô tô rộng 500.000m2 đã hoàn thành với hệ thống sản xuất – lắp ráp có cả nghìn robot tự động, cho ra đời 4 mẫu xe bao gồm 3 mẫu ô tô và 1 mẫu xe máy điện.

Đó thực sự là một hành trình mà nhiều người thừa nhận là thần kỳ. Chỉ tính việc san lấp bãi biển, xây dựng và hoàn thiện nhà xưởng cũng là đáng kinh ngạc. Tất nhiên, để làm được việc đó thì phải thừa quyết tâm, có được sự ủng hộ và nhất là… nguồn tài chính phải thật dồi dào.

Nhưng, ô tô vốn không phải là một sản phẩm công nghiệp bình thường, đó là một sản phẩm siêu công nghiệp. Xung quanh một chiếc ô tô là cả đống ngành nghề, dịch vụ bám vào; để làm được chiếc ô tô phải có sự đóng góp của rất nhiều lĩnh vực khác tham gia. Ví dụ, để sản xuất được ô tô thì đòi hỏi phải làm tốt (hay làm chủ) nhiều ngành công nghiệp khác như vật liệu và luyện kim, cơ khí - chế tạo máy, cơ khí động lực, điều khiển tự động và phần mềm, cơ điện - điện lạnh, công nghiệp thiết kế…

Đó cũng là lý do mà dù từng gặp vô vàn khó khăn nhưng nhiều quốc gia vẫn phải giữ cho bằng được ngành công nghiệp ô tô. Hình dung đơn giản, công nghiệp ô tô như một trung tâm mà bao nhiêu ngành nghề khác đều có thể thò tay mình vào kiếm một việc gì đó cho chính mình, cái trung tâm có thể nuôi cả đống ngành nghề thậm chí nghe có vẻ chẳng liên quan gì.

Và, công nghiệp ô tô cũng giải quyết luôn một bài toán nan giải với mọi quốc gia là lao động, việc làm. Không chỉ giải quyết cả triệu lao động trực tiếp mà còn rất nhiều lao động gián tiếp, lao động ở những ngành nghề ăn theo.

Lấy ví dụ, theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), trong năm 2016, ngành ô tô khu vực này đã giải quyết khoảng 3,4 triệu việc làm, bao gồm 2,5 triệu lao động trực tiếp và 921.000 việc làm gián tiếp.

Tại Đức, số lượng việc làm trực tiếp trong ngành ô tô nước này cao nhất khu vực châu Âu, đạt 857.000 lao động. Nhưng chỉ với việc sụt giảm sản lượng của các loại ô tô diesel có thể khiến 150.000 người lao động Đức rơi vào cảnh thất nghiệp.

Cho nên, Mỹ chẳng hạn, cuối thập niên 2000, cả 2 tập đoàn ô tô lớn là General Motors (GM) và Ford đều đứng bên bờ vực phá sản. Để rồi, Chính phủ phải đứng ra đỡ lấy. Với những quốc gia công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và vài quốc gia châu Âu khác, các tập đoàn ô tô là loại hình doanh nghiệp lớn không được phép… phá sản mà buộc phải tồn tại, bằng cách này hay cách khác.

Với Việt Nam, ngay sau khi cánh cửa kinh tế thị trường mở ra và lệnh cấm vận được dỡ bỏ bởi Tổng thống Mỹ Bill Clinton, một bản chiến lược công nghiệp ô tô hoành tráng được ban hành để sau đó là gần 20 liên doanh ô tô được thành lập. Khi chiến lược thứ nhất coi như thất bại hoàn toàn, một bản chiến lược tiếp theo được ban hành. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công nghiệp ô tô thế nào trong mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Còn công nghiệp ô tô Việt Nam đã, đang và sẽ ra sao thì người viết xin phép đề cập vào một dịp khác.

Những mẫu xe đầu tiên của VinFast đang được người tiêu dùng trong nước "tạm ứng" niềm tin.
Những mẫu xe đầu tiên của VinFast đang được người tiêu dùng trong nước "tạm ứng" niềm tin.

Bây giờ, mạn phép nói về VinFast.

“Niềm tin ứng trước”

Câu nói trên là của anh Phạm Vũ Tùng, một chuyên gia từng nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy và cũng là một chuyên gia marketing, truyền thông. Câu này được anh nói sau sự kiện VinFast khánh thành nhà máy và nó hoàn toàn khớp với ý của người viết từng đề cập ở nhiều bài viết trước đây trên một tờ chuyên ngành kinh tế, ngay từ khi VinFast mới bắt đầu xây dựng các hạng mục quan trọng đầu tiên.

Tại sao lại là niềm tin ứng trước? Đơn giản, vì không ít trong chúng ta đang làm những việc nửa vời, còn niềm tin của dân chúng thì đang ở mức thấp, thậm chí như nhiều người từng nói thì chúng ta đang rơi vào khủng hoảng niềm tin. Nhưng nếu không có niềm tin, ngay cả niềm tin của những người trực tiếp làm việc, thì mọi mục tiêu sẽ khó mà hoàn thành dù dễ dàng hay khó khăn chồng chất.

Tại sao lại phải ứng trước? Vì thực lòng rằng, VinFast đang làm cái việc dường như là không thể.

Như đề cập ở trên, ô tô là một ngành siêu công nghiệp. Các nước phát triển đã có cả trăm năm công nghiệp ô tô mà vẫn còn chênh vênh ở ranh giới giữa phát triển và tụt dốc, thậm chí là phá sản. Vậy thì, một “tay mơ” đi lên từ mì tôm ở Đông Âu rồi về Việt Nam kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng thì làm ô tô thế nào? Nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã phải 2 lần ban hành chiến lược công nghiệp ô tô, đã hơn 20 năm sản sinh ra ngành công nghiệp ô tô mà vẫn… chẳng đến đầu đến đũa.

Những thất bại liên tiếp, những kiểu làm việc như… mèo mửa đương nhiên khiến người ta phải nghi ngờ. Đó rõ ràng là một thực tế mà ai cũng thấy, hoặc ít nhất là ngầm thừa nhận.

Nghi ngờ nữa là: VinFast công bố làm ô tô và kế hoạch bán xe ra thị trường vào cuối năm 2019, tức là từ những bản vẽ trên giấy đến khi bán những chiếc xe đầu tiên chỉ có quãng thời gian… 2 năm. Viển vông không?

Trong khi, với một hãng xe lớn, họ phải mất ít nhất đến 3 năm để có thể cho ra đời một chiếc xe hoàn thiện với cả đống công việc phải hoàn thành, chưa kể chiếc xe đó còn thường phải đi lên từ một mẫu concept ra đời từ vài năm trước đó, tức là ít nhất đã sẵn nền tảng.

Còn VinFast, 2 năm là quãng thời gian làm tất cả mọi việc, thậm chí là việc… lấp biển.

Thế mà, đến thời điểm này, hàng nghìn chiếc ô tô VinFast đã được bàn giao cho người tiêu dùng.

Ngay lúc này, đã và đang có cả nghìn người Việt tạm ứng niềm tin cho VinFast. Nói thẳng ra, giá của mấy mẫu ô tô của VinFast không rẻ, nhưng họ vẫn mua kể cả trong bối cảnh chưa thể chứng minh được chất lượng của nó thế nào. Nhưng họ sẵn sàng ứng trước niềm tin của mình, để có thể đánh đổi những kết quả trong… kỳ vọng và tìm kiếm điều gì đó lớn lao hơn là lợi ích bản thân.

Khi cầm chìa khoá xe, nhiều khách hàng thừa nhận rằng mình muốn trải nghiệm mẫu ô tô đầu tiên của Việt Nam, muốn ủng hộ doanh nghiệp ô tô của Việt Nam và cũng kỳ vọng đó là cơ sở để VinFast đừng… thất hứa.

VinFast đã đem xe đi hàng chục quốc gia, đến hàng chục trung tâm kiểm nghiệm ô tô lớn trên thế giới để kiểm thử, để lấy những chứng nhận chất lượng; đã thuê nguyên một nhóm lái xe siêu bậc nhất Việt Nam để trực tiếp chạy thử liên tục dọc theo chiều dài đất nước với quãng đường hơn 6.000km.

Tất nhiên, những điều đó chưa thể khẳng định được chất lượng, vì nó buộc phải được “chứng nhận” bởi chính người tiêu dùng qua cả chục năm sử dụng, ít nhất phải bằng thời gian mà ngành đăng kiểm cho phép lưu hành đối với một kiểu loại xe cụ thể.

Những chiếc SUV Lux SA2.0 chuẩn bị xuất xưởng tại nhà máy VinFast Hải Phòng.
Những chiếc SUV Lux SA2.0 chuẩn bị xuất xưởng tại nhà máy VinFast Hải Phòng.

Rõ ràng, dù nói thế nào, dù chứng minh ra sao vào lúc này, thì hành động mua xe của người tiêu dùng vẫn là xuất phát từ việc tạm ứng niềm tin. Và bản thân VinFast cần điều ấy từ người tiêu dùng.

“Tôi thực sự xúc động và xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả các khách hàng đã đặt mua ô tô VinFast. Niềm tin và sự ủng hộ của quý vị dành cho chúng tôi quá lớn, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để khẳng định đẳng cấp và vị trí của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, để không làm phụ lòng quý vị”.

Chính ông chủ tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng cũng thừa nhận vai trò của những khách hàng đã ứng trước niềm tin cho mình như vậy khi phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy hồi giữa tháng 6/2019. Và đó chính là một động lực lớn để có thể hoàn thành những việc bị coi là viển vông.

Chúng ta, những người dân nước Việt, có lẽ cũng cần nhìn sang 2 quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu không có những niềm tin ứng trước của người dân thì Hàn Quốc sẽ không thể có nổi kỳ tích sông Hán và Nhật Bản không thể trở thành một cường quốc mà bước ngoặt chính là Cách mạng Minh Trị.


Phần 2:

“Cách mạng Minh Trị” trong công nghiệp ô tô Việt Nam

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.