Theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, mức trách nhiệm bảo hiểm với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2021.
Bộ Tài chính cho biết, mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được xây dựng nhằm đảm bảo cơ bản chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông nhanh chóng khắc phục tổn thất, đặc biệt là tổn thất về tính mạng, thân thể.
Trên cơ sở đó, tại Điều 4 Thông tư 04 đã nâng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra từ 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn lên mức 150 triệu đồng cho 1 người trong một vụ tai nạn.
Đồng thời, Thông tư mới giữ nguyên mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản: 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn đối với thiệt hại do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra; 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn đối với thiệt hại do xe ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra
Trước đó, theo quy định cũ tại Thông tư 22/2016/TT-BTC thì mức bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
Về mức phí bảo hiểm bắt buộc, Thông tư này quy định:
- Xe mô tô từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng tùy dung tích;
- Xe mô tô 03 bánh là 290.000 đồng;
- Xe ô tô dao động từ 437.000 đồng đến 4.813.000 đồng tùy thuộc số chỗ ngồi và loại hình kinh doanh...