Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 7/2019 chỉ đạt 26.666 chiếc, giảm nhẹ 3% so với tháng liền trước.
Trong đó, phân khúc xe du lịch (passenger car) đạt 19.394 chiếc, giảm 4%; phân khúc xe thương mại đạt 6.812 chiếc, tăng nhẹ 2%; phân khúc xe chuyên dụng đạt đạt 460 chiếc, giảm 21%.
Tỷ lệ sụt giảm là rất nhẹ. Tuy nhiên, sự suy giảm sức mua trên thị trường lại diễn ra trong bối cảnh nhiều hãng xe liên tiếp tung ra những chương trình kích cầu thông qua các đợt giảm giá, quà tặng phụ kiện…
Bên cạnh đó, tháng 7/2019 cũng là quãng thời gian ngay trước khi bước vào mùa Ngâu, tức tháng 7 âm lịch. Đây là khoảng thời gian nhiều người tiêu dùng Việt Nam thường có tâm lý hạn chế mua sắm, nhất là đối với những sản phẩm có giá trị lớn như ô tô, xe máy.
Bởi vậy, sự sụt giảm dù rất nhẹ cũng vẫn khiến bức tranh thị trường ô tô chớm màu ảm đạm. Khi sức mua không thể tăng lên trong bối cảnh người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá và “chạy Ngâu” thì không loại trừ khả năng, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 8/2019 (tức tháng Ngâu) sẽ rơi vào suy giảm mạnh.
Đây là tín hiệu giảm chung của toàn thị trường. Điều này cũng lý giải cho hiện tượng sụt giảm trên cả 2 mảng xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).
Cụ thể, cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sản lượng bán hàng các loại ô tô CKD trong tháng 7 đạt 15.275 chiếc, giảm 5% so với tháng liền trước. Nhóm xe CBU có phần sáng sủa hơn khi chỉ bị sụt giảm 0,3%, đạt 11.391 chiếc.
Mặc dù vậy, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường của cả giai đoạn 7 tháng năm 2019 vẫn cho thấy sự sáng sủa khi đạt 180.940 chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 132.550 chiếc, tăng 35%; phân khúc xe thương mại đạt 44.883 chiếc, giảm 1,5%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 3.507 chiếc, giảm 28%.