Ngày 8/3/2022, Bộ Công Thương có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, trong công văn của Bộ Công Thương cũng khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với xe công vụ, yêu cầu về tiết kiệm xăng dầu được quy định tại nghị định số 63/2019 của Chính phủ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cụ thể, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức.
Như vậy, hành vi lãng phí xăng dầu xe công vụ có thể bị xử phạt hành chính tối đa 2 triệu đồng.
Một chuyên viên của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay, việc sử dụng lãng phí xăng, dầu không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn gây ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả công vụ được nhà nước giao.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phân tích thêm: "Nhu cầu đi lại phục hồi kinh tế đang ở mức cao, việc quản lý nguồn cung xăng dầu gắn với tuyên truyền khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu và hiệu quả là giải pháp được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua".
"Trong khi giá xăng dầu vẫn còn biến động, Bộ Công Thương đã và đang liên tục khuyến cáo người dân, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tránh tính trạng đầu cơ, tích trữ xăng dầu", ông Đông lưu ý.
Tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam những năm gần đây xấp xỉ 20 triệu m3/năm, nhưng chưa có đánh giá về mức độ hiệu quả của việc tiêu dùng nguồn nhiên liệu đắt đỏ, khan hiếm này.