Theo phản ánh của dư luận, một số đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy có hiện tượng bán xe “hai giá”. Cụ thể, một số đại lý, tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng cao hơn giá đề xuất tại thông báo của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chính hãng hoặc giá niêm yết nhưng xuất hóa đơn cho khách ghi thấp hơn thực tế giao dịch, có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế các tỉnh, thành rà soát, kiểm tra hóa đơn. Đồng thời thực hiện đánh giá phân loại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động đại lý, kinh doanh ôtô, xe máy có dấu hiệu rủi ro khi không xuất hóa đơn, ghi giá hóa đơn thấp hơn giá thực tế giao dịch để xem xét bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đột xuất.
Bên cạnh đó, cục thuế các tỉnh, thành phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý giá để xử lý hành vi vi phạm các quy định; đề xuất tham mưu UBND thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường quản lý; trao đổi thông tin với ngân hàng thương mại để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng đối với tài khoản của tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ trong hoạt động mua bán xe ô tô, xe máy.
Trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, các cục thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định.
Thực tế, vấn đề bán xe "hai giá" không phải mới tại thị trường Việt. Nhiều mẫu xe máy hút khách thường xuyên bị các đại lý tăng giá bán so với giá đề xuất của nhà sản xuất. Đáng chú ý là nhiều trường hợp người tiêu dùng phản ánh vấn đề xe Honda bị kê giá nhiều nhất và phần chênh lệch này không được ghi trong hóa đơn. Trả lời câu hỏi này, Honda Việt Nam từng chỉ cho biết đại lý là hai pháp nhân độc lập nên không thể can thiệp. Honda Việt Nam chỉ công bố giá đề xuất, còn giá bán chính thức do đại lý quyết định. Công ty cho cho biết sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng.