Thị trường chứng khoán biến động mạnh
Nasdaq hiện là Sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới, sau Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Điểm khác biệt giữa Nasdaq với các sàn giao dịch chứng khoán lớn khác ở chỗ, nó là một sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC).
Theo thống kê, hiện có hơn 50% doanh nghiệp niêm yết tại Nasdaq thuộc lĩnh vực công nghệ, số còn lại là dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp và dĩ nhiên bao gồm ô tô. Nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới Tesla cũng được niêm yết trên sàn này. Ngoài ra, còn có một hãng xe điện khá nổi tiếng của Trung Quốc là Li Auto với những mẫu xe PHEV có thể di chuyển đến 1.200 km sau mỗi lần sạc đầy.
Tại Việt Nam, thông tin nhà sản xuất xe điện VinFast chuẩn bị niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ bắt đầu được dư luận quan tâm từ giữa năm 2021. Sau đó, VinFast xác nhận rằng sẽ thực hiện sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), hay còn được gọi là “công ty séc trắng”. Đây là giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng nhằm hiện thực hóa mong muốn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ mà không cần thông qua quy trình truyền thống.
Theo đó, SPAC là một công ty “vỏ bọc” được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán với mục đích mua lại một công ty tư nhân, giúp các doanh nghiệp có thể niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn như Nasdaq. Đối tác được VinFast chọn lựa là Black Spade để làm “bàn đạp” cho kế hoạch IPO tại Mỹ. Công ty này được tài trợ bởi Black Spade Capital, hiện đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới.
Sau một thời gian đàm phán, ngày 14/8 vừa qua, VinFast và Black Spade thông báo chính thức hoàn thành giao dịch hợp nhất và cổ phiếu VFS và VFSWW của VinFast chính thức được niêm yết và giao dịch trên sàn Nasdaq kể từ ngày 15/8/2023. Trong giao dịch hợp nhất này, VinFast được định giá khoảng 27 tỷ USD và giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD.
Ngay trước thềm IPO vài ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng. Do không có điều kiện giao dịch tại sàn Nasdaq, các nhà đầu tư tập trung quan tâm vào cổ phiếu công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup (VIC). Tính từ ngày 4/8 đến 14/8, cổ phiếu VIC đã tăng “dựng đứng” từ giá 59.000 đồng/cp lên 73.300 đồng/cp (tăng 24%), có thời điểm lên đến đỉnh điểm 75.400 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất đạt được kể từ cuối tháng 6/2022. Theo tính toán của tạp chí Forbes (Mỹ), tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng vọt từ 4,2 tỷ USD lên 5,7 tỷ USD (tính đến ngày 11/8). Trước đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, tài sản ròng của vị chủ tịch Tập đoàn Vingroup có thể tăng thêm 11 tỷ USD lên 16 tỷ USD sau thương vụ sát nhập giữa VinFast và Black Spade, lọt top 110 tỷ phú giàu nhất hành tinh. Sự kiện sáp nhập lần này cũng giúp cổ phiếu của Black Spade Acquisition trên sàn New York (NYSE) tăng vọt 73% trong phiên giao dịch ngày 10/8 vừa qua, giúp vốn hóa của công ty này đạt gần 400 triệu USD.
Cổ đông VIC có lẽ là những người đang vui mừng nhất trong sự kiện lần này. Tính đến phiên giao dịch ngày 15/8, một số nhà đầu tư ngắn hạn đang sở hữu cổ phiếu VIC ở mức giá thấp đã quyết định chốt lời và chờ điểm vào tiếp theo. Bên cạnh đó, với vai trò là một trong những “trụ đỡ” của VN-Index, cổ phiếu VIC đã góp phần làm sôi động thị trường chứng khoán với hàng loạt những phiên giao dịch “tỷ đô” trong những ngày qua.
Cơ hội để doanh nghiệp Việt “vươn ra biển lớn”
Thực tế, VinFast không phải là doanh nghiệp đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trước đó, năm 2006, CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết “cửa sau” trên bảng Pink Sheets của thị trường chứng khoản Mỹ thông qua SPAC, sau đó là sàn OTC.BB vào năm 2008.
Tháng 9/2009, Cavico mới chính thức đặt chân lên sàn Nasdaq. Nhưng chỉ sau 2 năm, cổ phiếu CAVO của Cavico bị hủy niêm yết do vi phạm yêu cầu liên quan đến công bố thông tin. Con đường “Mỹ tiến” của Cavico gần giống với VinFast ở thời điểm hiện tại, nhưng gian nan hơn rất nhiều. Những năm gần đây, doanh nghiệp này tập trung nhiều hơn vào mảng khai khoáng. Năm 2021, Cavico ký hợp đồng với Chính phủ lào thực hiện khai thác mỏ Nickel trữ lượng lên tới 470.000 tấn trong vòng 20 năm.
Năm 2022, Cavico thực hiện dự án xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản, trong đó công suất tại nhà máy Nickel đạt từ 70.000 - 100.000 tấn/năm. Đối tác chính của Cavico là Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng VinES (trực thuộc Tập đoàn Vingroup), góp phần giúp Việt Nam chủ động về nguồn cung pin xe điện.
Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp khác cũng có dự định niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài, ví dụ như VNG, Vietjet Air nhưng đều chưa thành công. Hiện tại, VNG (VNZ) và Vietjet Air (VJC) đang lần lượt được niêm yết trên sàn UPCOM và HOSE.
Có thể thấy, việc IPO thành công tại các nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ là ước mơ của nhiều doanh nghiệp Việt nhằm hướng tới phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia đều chung nhận định, niêm yết tại Mỹ là cơ hội tiếp cận với nguồn vốn lớn cũng như tăng giá trị của công ty trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện hoặc đủ quyết tâm để đạt được danh vọng đó.
Ngược dòng thời gian, cách đây vài năm, nhiều hãng xe lớn trên thế giới và khu vực châu Á còn khá thận trọng khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sự chú ý đều đổ dồn vào thương hiệu VinFast, đặc biệt kể từ khi hãng xe này quyết định chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Nếu VinFast thành công, đồng nghĩa với việc thị trường xe điện tại Việt Nam, bao gồm ô tô điện, xe máy điện, các phương tiện vận tải công cộng chạy điện hay các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, pin xe điện, trạm sạc sẽ đồng loạt bùng nổ.
Bằng những bước đi “thần tốc” và vững chắc, chỉ trong vòng hơn một năm, VinFast đã tiến những bước dài trong tham vọng ghi danh trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới. Điều đó được thể hiện bằng dải sản phẩm chủ lực là những chiếc ô tô điện trải đều từ phân khúc hạng A đến hạng E như VF e34, VF 8, VF 9, VF 5 Plus, VF 6, VF 7 và VF 3; bằng những chuyến tàu chở VF 8 sang thị trường Mỹ và Canada; bằng dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở Bắc Carolina và mới đây là IPO tại Mỹ... Rõ ràng, các nhà đầu tư và chuyên gia đều thấy rõ, sự thành công của VinFast không còn là lời tiên tri mà hoàn toàn là thực tế đang diễn ra.
“Câu chuyện của VinFast chắc chắn sẽ truyền cảm hứng, giúp các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thêm động lực, kinh nghiệm để theo chân VinFast đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế”, đó là nhận định và cũng là lời khen có cánh được giới chuyên gia dành tặng cho nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast Auto Pte. Ltd. cho biết: “Trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast. Đây không chỉ đơn thuần là những giao dịch trên thị trường chứng khoán, mà còn ghi nhận niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của chúng tôi, cũng như thực hiện cam kết của chúng tôi là làm cho các phương tiện điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người”.