So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 694 vụ (giảm 15,4%), tăng 7 người người chết (tăng 0,31%), giảm 801 người bị thương (giảm 24,7%).
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 4 tháng qua, 26 địa phương có số người chết giảm trên 5% so với cùng kỳ năm 2021; 21 địa phương có số người chết tăng trên 10% so với cùng kỳ.
Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông tăng cao cả về số lượng tuyệt đối bao gồm: Gia Lai (tăng 12 người, tương đương 14,5%); Hà Nội (tăng 21 người, tương đương 17,5%); Bình Định (tăng 9 người, tương đương 25%); Bình Dương (tăng 24 người, tương đương 30,4%); Quảng Ngãi (tăng 14 người, tương đương 38,9%); Đà Nẵng (tăng 9 người, tương đương 64,3%); Phú Thọ (tăng 10 người, tương đương 125%); Điện Biên (tăng 9 người, tương đương 300%).
Chỉ tính riêng từ ngày 15/3 đến 14/4/2022, cả nước xảy ra 1.046 vụ, làm chết 600 người và làm bị thương 690 người. So với tháng 4/2021 giảm 32 vụ (giảm 2,9%), tăng 74 người chết (tăng 14,07%), giảm 62 người bị thương (giảm 8,2%).
Trước đó, để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 360/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022.
Công điện nêu rõ:Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phương án khôi phục và bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trong điều kiện bình thường mới, nhất là hoạt động vận tải hành khách và hoạt động đi lại của học sinh sinh viên.
Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các đầu mối giao thông lớn (bến xe, nhà ga, cảng hàng không, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa) thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh ứng dụng việc bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ; Đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Công điện cũng yêu cầu các địa phương công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan Trung ương, của từng địa phương; Bảo đảm phương án ứng trực theo chế độ 24/7 để tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ, giải quyết, khắc phục kịp thời các vụ việc phát sinh…