Theo số liệu bán hàng gần nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2024, các thành viên thuộc VAMA đã bán ra thị trường tổng cộng 24.350 xe. Tuy nhiên doanh số bán xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.983 xe, trong khi doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 12.367 xe.
Cũng theo VAMA, trong top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam tháng 4/2024 vừa qua, có thể thấy rõ áp lực ngay trong bảng xếp hạng, những mẫu ô tô nhập khẩu chiếm ưu thế khi có tới 5 cái tên trong top đầu với: Mitsubishi Xpander, Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce, Toyota Innova, Ford Everest. Mitsubishi Xpander vẫn là vua doanh số khi là mẫu xe hút khách nhất. Đáng chú ý mẫu xe này vừa có bản lắp ráp trong nước, vừa có bản nhập khẩu từ Indonesia. Nhưng sự chênh lệch cũng thấy rõ khi lượng tiêu thụ bản nhập khẩu gấp hơn 7 lần so với bản lắp ráp trong nước.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này ở thời điểm hiện tại đó là dù không nhận được nhiều ưu đãi như xe sản xuất và lắp ráp trong nước nhưng xe nhập khẩu nguyên chiếc ở một số thị trường khu vực Việt Nam đã ký các FTA được hưởng ưu đãi thuế quan rất lớn. Chính điều này đang gây sức ép không nhỏ lên xe sản xuất lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, các mẫu xe nhập khẩu liên tục tung ra những chương trình ưu đãi lớn, giảm giá sâu rất hấp dẫn, đã giúp tăng doanh số hơn nhiều so với xe lắp ráp trong nước.
Ở chiều ngược lại, từ đầu năm đến nay, xe lắp ráp cũng được các nhà sản xuất, đại lý liên tục áp dụng các ưu đãi thông qua nhiều hình thức khác nhau nhưng thị trường vẫn trầm lắng vì thông tin Chính phủ đang xem xét áp dụng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước. Điều này khiến khách hàng có nhu cầu mua xe mang tâm lý chờ đợi để hưởng các ưu đãi kép tốt nhất có thể.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương án gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể quy định về việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.
Có thể thấy số liệu bán hàng mới nhất do VAMA và sự tăng trưởng của xe CBU đã đặt ra một vấn đề, liệu xe lắp ráp có đang dần đánh mất vị thế trước xe nhập khẩu hay không? Đặc biệt, trong khi chờ chính sách, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và hệ thống phân phối trong nước vẫn đang loay hoay tìm cách gia tăng doanh số, giảm thua lỗ thì các hãng xe nước ngoài vẫn kiếm được tiền nhờ xuất khẩu ô tô vào Việt Nam.
Thực tế, việc tỷ trọng xe nhập khẩu neo ở mức cao và tăng mạnh trở lại là tín hiệu không tốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Điều này cũng đi ngược lại mục tiêu tăng trưởng đã được Chính phủ đề ra. Cụ thể, theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước phải đạt ~ 227.500 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 114.000 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 14.200 chiếc, xe tải ~ 97.960 chiếc, xe chuyên dụng ~ 1.340 chiếc. Đến năm 2025, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước phải đạt ~ 466.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 237.900 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 29.100 chiếc, xe tải - 197.000 chiếc, xe chuyên dụng ~ 2.400 chiếc.
Theo quy định, thuế nhập khẩu đối với ô tô tại thị trường Việt Nam là 50-70% giá trị xe. Tuy nhiên, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu thêm 5 năm nữa đến năm 2027. Trong đó, Thái Lan, Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ô tô sang Việt Nam nhiều nhất (chiếm 75% thị phần) đang được miễn thuế nhập khẩu. Điều này khiến xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia có sức cạnh tranh rất lớn tại thị trường Việt.
Chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lần đầu tiên được áp dụng vào nửa cuối năm 2020. Lần thứ hai áp dụng từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022. Lần thứ ba áp dụng vào nửa cuối năm 2023. Nếu lần này được đề xuất và thông qua, lệ phí trước bạ sẽ có lần thứ tư giảm 50% và có thể vào nửa cuối năm 2024 thị trường được kỳ vọng khởi sắc hơn nhiều.
Mới đây, trong chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết ngay trong tháng 6/2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thực tế, theo Bộ Tài chính, mỗi lần áp dụng chính sách này, thu ngân sách bị giảm khoảng từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là công cụ hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ô tô trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt cần vực dậy doanh số để cứu thị trường và cạnh tranh với xe nhập khẩu.