Liên tiếp các vụ tai nạn
Mới đây nhất, vào ngày 9/8, xe container chở 2 cuộn thép nặng hàng chục tấn trên đường Vành đai 3 trên cao (Hà Nội) bất ngờ lăn xuống đường khiến mặt đường bị hư hỏng, giao thông trên tuyến Vành đai 3 trên cao ùn tắc kéo dài đến 5km. Chiếc xe container mang biển kiểm soát 15H- 009.XX, kéo theo rơ-móoc chở theo 2 cuộn thép, khi xe đang di chuyển theo hướng cầu Thanh Trì đi Mai Dịch bất ngờ 2 cuộn thép bị đứt xích neo rơi xuống đường. Tại hiện trường, 1 cuộn thép nặng 21 tấn chắn ngang đường, 1 cuộn khác lăn cách xe container hơn 10m. Các cuộn thép đã cày mặt đường Vành đai 3 tạo ra nhiều vệt lõm, quanh chu vi cuộn thép nặng 21 tấn, vết hằn cày sâu tới 0,15m xuống mặt đường.
Cũng trong tháng 8/2022, ngày 2/8 trên đường Nguyễn Văn Linh (Lê Chân, Hải Phòng), camera hành trình trên một xe đi cùng chiều ghi lại cho thấy một chiếc xe container đang chở theo cuộn thép nặng hàng tấn đã phải phanh gấp để dừng đèn đỏ. Do quán tính, cuộn thép tròn đã bứt đứt dây xích chằng buộc, lăn về phía trước. Cuộn thép này đã đè bẹp một phần cabin bên phải trước khi rơi xuống đường.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, có đông người đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ, nhưng may mắn cuộn thép không rơi trúng ai. Tài xế chiếc xe đầu kéo cũng không bị thương sau vụ việc này.
Ngày 11/4, vụ việc tương tự đã xảy ra trên QL51 qua khu vực phường Tam Phước, TP Biên Hòa, một cuộn sắt nặng hàng chục tấn rơi từ xe đầu kéo xuống đường khiến mặt đường bị lún sâu và có vết cày dài. May mắn, những người tham gia giao thông xung quanh né được.
Hay trước đó, ngày 5/3/2022, một cuộn thép rơi từ xe container đã gây thương tật nghiêm trọng cho một người đàn ông bán vé số ở TP.HCM.
Năm 2021, 2 cuộn thép nặng hàng chục tấn rơi từ xe container xuống đường trên QL51, gây ra vụ va chạm liên hoàn các ô tô và giao thông hỗn loạn.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông chết người liên quan đến các xe chở thép cuộn. Tuy nhiên, làm thể nào để xử lý dứt điểm xử lý tình trạng này vẫn là câu hỏi lớn.
Mức xử phạt đang chưa đủ sức răn đe?
Thực tế, hiện vẫn chưa có Quy định cụ thể về việc chằng buộc, cố định loại hàng hóa này khi vận chuyển. Chỉ có Quy định chung là phương tiện vận chuyển phải chở đúng tải trọng.
Trường hợp xe không có thùng kín thì hàng hóa phải được che chắn để tránh rơi. Thực tế này cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng xử lý vi phạm khi không ít tài xế chống đối với CSGT trong quá trình kiểm tra, xử lý khi đặt câu hỏi: “Thế nào là chằng buộc bảo đảm an toàn".
Trong khi đó, Nghị định 100, hành vi chở hàng trên xe mà chèn buộc không chắc chắn hoặc không chèn buộc thì bị xử phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng; trường hợp gây tai nạn bị phạt 8-12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Do đó, lực lượng chức năng hiện nay chỉ có thể dừng lại ở việc lập biên bản lỗi chở hàng hóa không chằng buộc chắc chắn.
Các tài xế chỉ bị xử phạt nặng nếu trường hợp hàng hóa trên xe không chằng buộc cẩn thận rơi xuống đường gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tích 1 người từ 61% hoặc 2 người cộng lại 61% trở lên, gây chết người, thiệt hại tài sản 100 triệu đồng. Với trường hợp này thì lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm qui định tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự, với mức phạt từ 1-15 năm tù.
Trước thực trạng hiện tại, trong khi chờ một giải pháp tối ưu trong việc xử lý các loại xe chở hàng hoá cồng kềnh như xe chở cuộn thép, các cơ quan chức năng khuyến cáo người đi đường để đảm bảo an toàn cho bản thân nên giữ khoảng cách an toàn, không di chuyển gần các loại xe này.