Các hãng ô tô giảm giá liên tục
Từ cuối tháng 2 đến nay, gần như tháng nào giá ô tô tại đại lý cũng được ưu đãi, ngoại trừ một số mẫu xe nhập khẩu bán chạy nhưng khan hàng.
Dịch âm ỉ nhiều tháng qua khiến các hãng chăm chỉ giảm giá đều đặn từng tháng. Đến nửa cuối tháng 8, nhu cầu mua xe tiếp tục chững lại vì tâm lý kiêng ở tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch). Tác động của dịch bệnh, nguồn cung xe, kinh tế sụt giảm khiến doanh số ba tháng gần nhất giảm liên tục.
Nhiều đại lý Kia, Mazda, Ford hay Toyota tại Hà Nội trong tháng 8 vừa qua gần như không có khách mới phát sinh. Đơn cử lượng hợp đồng ký mới của một đại lý Kia chỉ 10 xe, đây là con số thấp chưa từng có. Trong khi đó, các đại lý Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda... ở TP HCM đã đóng cửa tạm thời từ cuối tháng 6 theo lệnh giãn cách xã hội của chính quyền thành phố, và chưa thể hoạt động lại do dịch vẫn còn phức tạp. Các nhân viên bán hàng của đại lý chuyển sang bán, tư vấn cho khách bằng hình thức online.
Ưu đãi chủ yếu bằng nhiều hình thức như giảm giá, tặng phụ kiện, hỗ trợ lãi suất vay là cách các hãng lẫn đại lý khơi dậy sức mua của người tiêu dùng.
Chính phủ chỉ đạo xem xét giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước
Ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hội kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Việc đề xuất tái áp dụng chính sách miễn 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từng được các doanh nghiệp lắp ráp ô tô như Hyundai Thành Công đề xuất lên Chính phủ từ tháng 6 năm nay, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở một số tỉnh phía Nam.
Các địa phương, nơi đặt các nhà máy lắp ráp ô tô quy mô lớn như Ninh Bình, Hải Dương cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ công nghiệp ô tô bằng chính sách thuế ưu đãi, giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước.
Trạm sạc xe điện ở Việt Nam "ngốn" 2 tổ máy thuỷ điện Hoà Bình
Các loại xe điện hoá (bao gồm xe hybrid-HEV, xe hybrid có sạc-PHEV, xe thuần điện-BEV và xe sử dụng nguyên liệu Hydro-FCEV) đang phát triển nhanh. Xe điện trở thành là xu thế tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới mà Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này.
Bên cạnh đó, quá trình trải nghiệm của người dùng với dòng xe mới mẻ này cũng còn hạn chế khi hệ thống trạm sạc chưa được bao phủ. Khách hàng sẽ không lựa chọn một loại phương tiện mà đi đâu cũng nơm nớp lo hết năng lượng.
Tại Việt Nam, VinFast gần như là đơn vị duy nhất đang triển khai phát triển các trạm sạc ô tô điện với quy mô lớn. Hãng xe này dự kiến hoàn thành khoảng 2.000 trạm sạc tương ứng với hơn 40.000 trụ sạc các loại trong năm 2021, đón đầu cho các dòng xe thuần điện sắp lăn bánh.
Theo đại diện VinFast, các trụ sạc này gồm nhiều loại: Trụ sạc thường ô tô AC 11kW, trụ sạc nhanh ô tô DC 30kW và 60kW, trụ sạc siêu nhanh ô tô DC 250kW và trụ sạc xe máy AC 1,2kW.
Trong hội thảo về hạ tầng xe điện, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, việc phát triển trạm sạc ô tô điện, nhất là các trạm sạc nhanh sẽ làm tăng phụ tải đáng kể lên hệ thống điện lưới quốc gia.
Ông Lâm tính toán, với trường hợp phát triển trạm sạc của VinFast ở trên, nếu tính công suất tối thiểu mỗi trụ sạc 11kW thì 40.000 trụ sạc đồng nghĩa với khoảng 440MW sẽ đấu nối thêm vào hệ thống; thậm chí có thể hơn 1.000MW nếu tính các đầu sạc nhanh có công suất lớn.
Triển lãm IAA 2021 Munich: Xe điện chiếm sóng
Nhiều thương hiệu ô tô lớn như Ferrari, Aston Martin, McLaren và Bentley đã lựa chọn không tham dự nhưng một số nhà sản xuất lớn vẫn tham gia cuộc chơi hoành tráng này, được tổ chức tại hội trường lớn của Munich và một số di tích lịch sử quan trọng và đẹp nhất của thành phố, bao gồm cả nhà hát opera Bayerische Staatsoper. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Nhà vô địch giải đua Công thức Một Nico Rosberg đã tham dự.
Tại đây, Mercedes-Benz đã trình làng 5 mẫu xe chạy bằng pin (cùng với động cơ hybrid), khởi động nỗ lực trị giá 47 tỷ USD nhằm đẩy các mẫu xe điện của mình sâu hơn vào thị trường tiêu dùng. Nổi bật nhất trong số đó là EQE, phiên bản tiếp theo của mẫu sedan EQS mà Mercedes bắt đầu bán vào tháng trước. Người anh em nhỏ hơn, ít tốn kém hơn của EQS dự kiến sẽ tăng cường khối lượng bán hàng, doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Trong khi đó, người hùng của quê hương BMW tuyên bố sẽ tăng gấp đôi đơn đặt hàng pin khi công bố phiên bản sản xuất xe điện iX và i4, cũng như một số xe máy điện.
Đứng đầu trong số các đề xuất của BMW là i Vision Circular pod được làm từ nhôm, thép tái chế, không sơn và các vật liệu tái sử dụng khác. Chiếc hatchback ý tưởng nhằm thể hiện một chiếc BMW có thể như thế nào vào năm 2040.
Porsche đã giới thiệu một chiếc xe điện hoàn toàn không phải để tái chế và hơn thế nữa là không chỉ lái xe. Ý tưởng Porsche Mission R là giả thuyết của công ty về việc chiếc xe đua sẽ như thế nào nếu chạy bằng pin điện.
Cùng với nhiên liệu điện tử, mạng sạc nhanh, xe hybrid và chiếc sedan Taycan chạy điện thành công, chiếc xe này là một phần trong mục tiêu không phát thải carbon của Porsche vào năm 2030.
Đối với Audi, thương hiệu VW có trụ sở tại Ingolstadt, Đức đã trình làng chiếc thứ hai trong loạt ba mẫu xe ý tưởng “hình cầu”, Grandsphere, chỉ vài tuần sau khi trình làng mẫu concept Skysphere coupe tại Los Angeles.
Tiền thân của một chiếc sedan chạy điện được sản xuất vào năm 2025, Grandsphere có chế độ tự động xoay vô lăng và bàn đạp. Nó có tổng phạm vi lái xe là 750 km và có thể sạc 186 km lái xe trong 10 phút khi cần thiết, sử dụng bộ sạc đặc biệt.
Khách mua Toyota Land Cruiser phải chờ 4 năm
Tình trạng thiếu linh kiện và chip khiến Toyota phải giảm 40% sản lượng toàn cầu trong tháng 9, và mẫu SUV thế hệ mới cũng bị ảnh hưởng.
Gần như mọi nhà máy của Toyota ở Nhật đều chịu tác động, và Land Cruiser thế hệ mới bị ảnh hưởng nặng nhất. Để mua mẫu SUV này, khách hàng phải đợi ít nhất một năm và thời gian chờ có thể tới 4 năm, theo thông tin từ các đại lý Toyota ở xứ xở hoa anh đào.
Ở thị trường quê nhà, số lượng đơn đặt hàng mà hãng xe Nhật nhận được vượt sản lượng nội địa đến 400%. Cụ thể, Toyota thu hút khoảng 20.000 đơn đặt hàng, trong khi khả năng sản xuất - trước khi các nhà máy phải đóng cửa tạm thời - chỉ là 5.000 xe.
Một số đại lý cảnh báo, rằng thời gian chờ đợi một số phiên bản phổ biến có thể là 2-3 năm. Nhưng với lệnh đóng cửa mới đây cũng như sự ăn khách của mẫu SUV, thời gian có thể kéo dài tới 4 năm với các phiên bản như ZX và GR Sport. Chỉ hai phiên bản này đã chiếm khoảng 90% đơn đặt hàng tại Nhật.
Land Cruiser thế hệ mới bán ra đầu tiên tại Trung Đông. Hiện xe đã có tại Việt Nam với mức giá 4,06 tỷ đồng.