Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa mới công bố, trong tháng 7 đã có 44.400 xe bao gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu được “bơm” vào thị trường Việt Nam. So với tháng 6 trước đó là 43.890 chiếc, tháng 7 đã tăng nhẹ.
Tuy nhiên, có sự chênh lệch đáng kể giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước khi tháng 7 xe lắp ráp trong nước đạt 27.400 chiếc, giảm so với tháng 6 là 28.000 chiếc thì xe nhập khẩu lại tăng trường khá từ mức 15.580 của tháng 6 lên mức 17.000 chiếc vào tháng 7. Đây cũng là mức cao nhất tính từ đầu năm của xe nhập khẩu về Việt Nam.
Với số liệu của Tổng cục Thống kê, luỹ kế ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 91.585 chiếc. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã tăng mạnh 14,7% về lượng. Đặc biệt, đa phân các loại xe nhập khẩu về Việt Nam của các nhà nhập khẩu ô tô trong thời gian đầu năm 2024 vừa qua chủ yếu là những dòng xe bình dân có giá trị thấp, có mức giá hơn 500 triệu đồng.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến trung tuần tháng 7/2024 (1-15/7), đã có 82.557 ô tô được nhập khẩu về Việt Nam. Trong đó, nửa đầu tháng 7, cả nước nhập khẩu 8.154 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 161,7 triệu USD.
Ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tiếp tục là dòng xe nhập khẩu chủ lực về thị trường Việt với 6.877 chiếc, tổng kim ngạch 118,7 triệu USD. Dòng xe này chiếm 84,34% về lượng và 73,4% về kim ngạch nhập khẩu ô tô cả nước trong nửa đầu tháng 7.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, cả nước nhập khẩu 82.557 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 8,2% về lượng, nhưng giảm khoảng 5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Indonesia tiếp tục vượt Thái Lan để trở thành nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam. Ô tô nhập khẩu từ thị trường Đông Nam Á này đạt 32.797 xe tính đến hết tháng 6/2024, chiếm tới 44% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước. Tổng kim ngạch đạt hơn 478 triệu USD, chiếm 31,2% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của nước ta.
Thái Lan đứng thứ 2 về thị trường nhập khẩu với 23.736 xe, tổng kim ngạch hơn 463 triệu USD, chiếm 31,8% về lượng và chiếm gần 30% về kim ngạch nhập khẩu ô tô cả nước.
Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với 14.729 xe, tổng kim ngạch đạt gần 456 triệu USD. Thị trường tỷ dân này chiếm 19,75% về lượng, nhưng chiếm đến 29,42% kim ngạch nhập khẩu ô tô cả nước.
Cơ bản 3 thị trường lớn ở châu Á chiếm đến 95,55% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm.
Với đà tăng trưởng của xe nhập khẩu hiện tại và tình hình của xe lắp ráp trong nước, giới chuyên gia đánh giá là tín hiệu không mấy khả quan cho xe lắp ráp trong nước trong Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc.