Tiềm năng ngày càng rộng mở
Cách đây 10 năm, Grab trở thành thương hiệu đầu tiên khai mở thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Gần nửa năm sau, Uber cũng gia nhập thị trường và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Phương thức vận tải ngày càng được mở rộng, bao gồm taxi công nghệ, xe ôm công nghệ, vận chuyển hàng hóa, giao đồ ăn...
Thay vì kết nối với khách hàng thông qua vẫy xe trực tiếp, gọi điện thoại đặt xe qua tổng đài chăm sóc khách hàng, Grab, Uber tập trung vào phát triển nền tảng ứng dụng cho phép người dùng đặt xe qua mạng, có thể thanh toán qua cổng thanh toán trung gian hoặc ví điện tử. Khách hàng cũng biết rõ khi nào xe tới đón, khi nào tới nơi với lịch trình công khai, minh bạch, thậm chí có thể kết nối với bộ phận chăm sóc khách hàng để khiếu nại, phản ánh chất lượng dịch vụ, công cụ cảnh báo nguy hiểm nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm trên xe... Thậm chí, giai đoạn đầu, khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, xe công nghệ có thể thoải mái đón khách tại những khu vực cấm taxi hoạt động. Đó là những ưu thế mà các doanh nghiệp taxi truyền thống không thể có được và sự xuất hiện của Grab, Uber, Gojek, Be đã giúp định hình lại thị trường vận tải hành khách công cộng truyền thống.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, ranh giới phân biệt giữa taxi, xe ôm truyền thống và xe công nghệ đang ngày càng mong manh. Để bảo vệ thị phần của mình, một số hãng taxi quyết định thành lập những liên minh taxi để cùng khai thác, giảm chi phí vận hành và đặc biệt là cạnh tranh với xe công nghệ, bao gồm Liên minh G7, Liên minh taxi truyền thống... Những chiến lược mới đã được tung ra như cam kết kết nối khách hàng chỉ trong 1-2 phút, không tăng giá trong giờ cao điểm, xây dựng ứng dụng gọi xe riêng và vận hành không khác biệt nhiều so với Grab. Đội ngũ tài xế taxi cũng được đào tạo, chấn chỉnh về trang phục, tác phong và cung cách phục vụ khách hàng theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Ngược lại, một số tài xế xe công nghệ khi rảnh rỗi vẫn nhận đón khách lẻ không thông qua ứng dụng, trực tiếp thỏa thuận với khách hàng về chi phí. Sự pha trộn diễn ra phổ biến hơn đối với phương tiện xe máy khi có không ít tài xế xe ôm truyền thống nhưng mặc đồng phục xe công nghệ, vừa chở người, vừa nhận “ship” hàng hóa.
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD, ước tính đạt 0,88 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân 5 năm tới là 19,5%/năm. Hiện nay, thị trường gọi xe công nghệ có sự tham gia của các công ty lớn như Grab Holdings Inc., CTCP Di chuyển Xanh và Thông Minh GSM, CTCP Be Group, Go-Việt và FastGo Việt Nam.
Cuộc tái cấu trúc lần thứ hai
Ngành vận tải hành khách công cộng tại Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong vòng 20 năm tới, đó là yêu cầu chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe “xanh”. Trong đó, các dòng xe đô thị “thuần” điện, xe Hybrid, Plug-in Hybrid là những lựa chọn phù hợp nhất cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, chỉ đến khi CTCP Di chuyển Xanh và Thông Minh GSM với thương hiệu Xanh SM được thành lập vào tháng 3/2023 thì taxi điện mới bắt đầu được các doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Chỉ sau 5 tháng ra mắt, Xanh SM đã cán mốc 6 triệu khách hàng trên cả nước. Sau 7 tháng hoạt động, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau Grab. Đến nay, Xanh SM đã “phủ sóng” 29 tỉnh thành, với đội xe hơn 20.000 ô tô điện với các mẫu xe chủ đạo gồm VF e34, VF 5 và VF 8. So sánh với các đơn vị khác trong cả lĩnh vực taxi truyền thống và lĩnh vực gọi xe công nghệ, Xanh SM được đánh giá cao nhất về chất lượng dịch vụ, độ phủ, quy mô đội xe và sự hài lòng của khách hàng.
Tuy nhiên, vị thế “người tạo lập” của Xanh SM không nằm ở số lượng xe đang sở hữu hay số chuyến xe “khủng” được thực hiện mỗi ngày mà thương hiệu này đã và đang đem đến cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng cơ hội chuyển đổi dần sang xe điện hóa. Theo đó, hai thế mạnh lớn nhất của Xanh SM là nguồn cung xe “thuần” điện và hệ thống trạm sạc sẵn có từ VinFast.
Trước khi Xanh SM xuất hiện, Mai Linh - thương hiệu taxi hàng đầu Việt Nam đã từng có kế hoạch chuyển đổi một phần taxi hiện có sang xe điện, song chưa thành công do giá xe điện nhập khẩu còn cao và rủi ro trong hoạt động đầu tư khi là người tiên phong. Hiện nay, bằng chính sách bán, cho thuê xe điện từ VinFast và GSM, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể bước một chân vào thị trường taxi điện, bắt đầu bằng những đơn hàng nhỏ từ 100-200 xe.
Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu hợp tác với GSM như ASV Airports Taxi, HTX vận tải Thanh Hà, Nam Thắng Rạch Giá, Vận tải Quốc tế Sơn Nam, Én Vàng, Xanh Sapa, Bách Đại Dũng, Biển Xanh, Lado Taxi, Sun Taxi, Ahamove...
Kết quả kinh doanh ấn tượng của Xanh SM thời gian qua đã tạo động lực cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vốn vào thị trường taxi điện. Mới đây nhất, Lado Taxi tiếp tục ký kết đơn hàng lớn, mua và thuê bổ sung 2.500 ô tô điện VinFast trong vòng 3 năm, trong đó 500 xe được bàn giao ngay trong năm 2024. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM toàn cầu chia sẻ: “Quyết định mở rộng quy mô đội xe điện của Lado là minh chứng cho tính hiệu quả của phương tiện này trong lĩnh vực vận tải”.
Trong khi đó, hãng taxi truyền thống Vinasun có chiến lược khác biệt hơn khi công bố kế hoạch đầu tư 550 xe Hybrid của Toyota trong hai quý cuối năm 2024. Tổng hợp một số kết quả nghiên cứu cho thấy, xe “thuần” điện của VinFast đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng đến 75-80% so với xe dùng động cơ đốt trong, xe Hybrid cũng có hiệu suất sử dụng nhiên liệu khá tốt với mức tiết kiệm từ 45-50%. Bù lại, xe Hybrid không phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc. Trong bối cảnh nhiều hãng taxi cùng đầu tư vào xe “thuần” điện, trong thời gian tới, việc chờ đợi sạc pin có thể sẽ là vấn đề đối với các tài xế.
Thời gian tới, khi thị trường gọi xe công nghệ bằng xe điện hóa trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều thương hiệu sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng và tạo sự thuận tiện cho khách hàng với nhiều mục đích di chuyển khác nhau. Một số chuyên gia nhận định, mở rộng dịch vụ taxi điện sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình giảm phát thải mà Chính phủ đã đặt ra. Điều các doanh nghiệp vận tải mong đợi là cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi kinh doanh dịch vụ taxi điện để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư và mở rộng thị trường.