Rào cản pháp lý của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam

Lê Vũ

Trong xu thế toàn cầu hóa, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam không thể phát triển "một mình một sân", mà rất cần đến các hoạt động ngoại giao kinh tế, sự hợp tác, hữu nghị, cùng có lợi giữa các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Để dẫn đường cho các hoạt động này, cần phải có một hành lang pháp lý vững chắc, đầy đủ và phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Chưa phát huy được tiềm năng sẵn có

Ngành CNHT ô tô Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng sẵn có. Ảnh: VGP
Ngành CNHT ô tô Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng sẵn có. Ảnh: VGP.

Một trong những văn bản quy phạm pháp luật có tác động mạnh mẽ nhất đến ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Sau hơn 7 năm, việc thực thi Nghị định 111 đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bất cập lớn nhất được xác định ngay từ việc xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi, quy định tại Điều 11 Nghị định 111 là “Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%”.

Tuy nhiên, khái niệm “dự án đầu tư mới” không được quy định rõ ràng. Thực tế, đa số doanh nghiệp CNHT trong nước đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế, rất khó để đầu tư một dự án mới hoàn toàn. Các dự án được triển khai chủ yếu là mở rộng, nâng cao công suất của nhà máy. Điều 11 của Nghị định cũng chưa quy định rõ dự án hoạt động từ thời điểm nào thì doanh nghiệp được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, Nghị định 111 cũng chưa quy định cụ thể về tiêu chí xác định dự án tăng năng lực sản xuất ít nhất 20%. Những điều này đã gây hạn chế rất lớn đối với độ lan tỏa của chính sách tới các doanh nghiệp CNHT.

Trong lĩnh vực CNHT ô tô, Chính phủ đã xác định đây là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao nhất từ Nhà nước. Tuy nhiên, trong nội dung Nghị định 111 chỉ liệt kê danh mục ưu tiên phát triển, không quy định rõ tiến trình ưu đãi, ưu tiên cho từng nhóm ngành. Điều này có nghĩa là ngành CNHT ô tô cũng được hưởng ưu đãi tương đương với các nhóm ngành khác trong danh mục. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô nói chung được ví như “bộ mặt” của nền công nghiệp của một quốc gia, bởi nó có liên quan mật thiết đến nhiều ngành nghề khác như cơ khí, chế tạo, điện tử, hóa chất và đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao. Với yêu cầu về vốn, nhân lực, công nghệ cao hơn hẳn các ngành nghề còn lại, việc “cào bằng” ưu đãi, hỗ trợ khiến các doanh nghiệp CNHT ô tô không đủ “liều lĩnh” để đầu tư quy mô lớn.

Trên thực tế, những năm qua, Việt Nam ngày càng được các bạn hàng quốc tế quan tâm, chú ý, là một thị trường mới nổi, đầy tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á. Các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Các tập đoàn ô tô lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng bỏ hàng tỷ USD để đầu tư vào các nhà máy ở Việt Nam, cùng hợp tác, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị, nâng cao năng suất và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều họ cần là mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Do thiếu lộ trình phù hợp và thuế, phí còn cao, nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia khác khó lòng tiếp cận thị trường Việt Nam và quay sang các thị trường có mức ưu đãi tốt hơn như Thái Lan, Indonesia.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt vào các hoạt động của doanh nghiệp FDI còn rất hạn chế. “Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đều được sự hỗ trợ rất lớn từ tập đoàn mẹ hoặc tổ chức tài chính của nước sở tại với lãi suất rất thấp. Trong khi đó, lãi suất trong nước của chúng ta rất cao. Với chênh lệch đó, chúng ta đã thua từ khi sử dụng vốn để đầu tư dự án, tức là thua ngay từ bước đầu tiên”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận.

Để minh chứng cho điều này, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp CNHT được vay nguồn tín dụng phát triển từ Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Tuy nhiên, VDB chủ yếu tập trung cho vay các khoản đầu tư lớn của Nhà nước và các dự án quy mô lớn; trong khi phần lớn doanh nghiệp CNHT là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, kể từ năm 2011-2020, không có bất kỳ khoản vay nào được giải ngân.

Sửa đổi quy định pháp luật: Không thể chậm trễ!

Doanh nghiệp CNHT Việt Nam cần
Doanh nghiệp CNHT Việt Nam cần "cú huých" từ chính sách pháp luật. Ảnh: Lê Vũ.

Theo các chuyên gia, việc đưa chính sách phát triển CNHT thành một văn bản cấp Nghị định như Nghị định 111 vốn đã là một thành công ở thời điểm năm 2015. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thế giới phát triển không ngừng, trình độ của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu các sản phẩm CNHT đã có nhiều thay đổi nên một số quy định cũ đã trở nên lỗi thời.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng, lập tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế một số điều của Nghị định 111/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 đã khiến các thủ tục ban hành Nghị định mới bị chậm trễ. Mới đây, Bộ Công Thương có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Chính phủ về dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP với nhiều chính sách ưu đãi đi kèm.

Theo đó, Dự thảo đã bổ sung khái niệm về CNHT, bao gồm các doanh nghiệp có tham gia vào các công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất sản phẩm CNHT như rèn, dập, đúc, mạ, tráng, sơn... Theo quy định cũ, các doanh nghiệp này chỉ đóng vai trò trung gian, không nằm trong danh mục đối tượng được hưởng ưu đãi. Điều này giúp mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi lên rất nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP được Bộ Công Thương thực hiện theo hướng tận dụng tối đa các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, ví dụ trong ngành ô tô là CPTPP, EVFTA, ATIGA. Điều này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các nguyên vật liệu và phụ tùng, giảm nhập khẩu linh kiện, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp cuối cùng.

Để làm được điều này, chính sách về tài chính dành cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp CNHT trong nước phải đủ “hấp dẫn”. Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ với khoản cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm cho đối tượng thuộc diện ưu đãi đầu tư. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Theo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), bên cạnh hỗ trợ về vay vốn, điểm mấu chốt để các doanh nghiệp CNHT phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp; nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, quản trị sản xuất...

Cũng theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến giá trị gia tăng do ngành CNHT tạo ra rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đó chứng tỏ năng lực hỗ trợ hiện nay cho các doanh nghiệp CNHT về ô tô, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao vừa thiếu lại vừa yếu. Do đó, cần tiếp tục đầu tư thành lập các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp cho phát triển CNHT. Trong quá trình hoạt động, các trung tâm này sẽ xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức kỹ thuật khác để phát huy tối đa hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi như Việt Nam, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho ngành CNHT đang ngày càng trở nên cấp bách.

Theo VnEconomy

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.