Ba lần đề xuất đều gặp rào cản
“Tắt đèn đi em ơi!”. Câu nói này xuất hiện khá nhiều trên đường phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh từ cách đây gần 20 năm, khi hệ thống đèn trên một số mẫu xe tay ga nhập khẩu của Piaggio, Honda luôn bật sáng. Điều này xuất phát từ thói quen và quy định giao thông tại các quốc gia Châu Âu, Nhật Bản, nơi thường xuất hiện sương mù, mưa tuyết. Khi đó, ô tô, xe máy đều phải bật đèn nhận diện hoặc đèn chiếu sáng gần ngay cả vào ban ngày với mục đích chính là để các phương tiện có thể nhìn thấy nhau giữa làn sương dày đặc.
Một nghiên cứu của Cục Giao thông bang Minnesota (Mỹ) đã chỉ ra rằng, khi xe máy được trang bị đèn nhận diện sẽ giúp số vụ tai nạn giao thông vào ban ngày giảm tới 32%, qua đó giúp giảm từ 5 - 10% tỷ lệ tai nạn tại bang này. Một nghiên cứu khác của Motorcycle Legal Foundation cũng khẳng định, có tới 37% vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển ô tô không nhận diện được xe máy trên đường.
Năm 2005, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia lần đầu tiên đề xuất xe máy phải được trang bị đèn nhận diện và sử dụng vào ban ngày. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, đề xuất này vấp phải sự phản ứng từ dư luận và không khả thi.
Từ năm 2020, một số hãng xe tiên phong như Honda, Yamaha bắt đầu cải tiến hệ thống đèn trên các mẫu xe thế hệ mới dành cho thị trường Việt Nam. Bắt đầu từ những mẫu xe Honda SH sản xuất trong nước, cho đến các mẫu xe khác như LEAD, SH Mode, Yamaha Grande cũng dần loại bỏ công tắc đèn trên xe. Nghĩa là, chỉ cần mở khóa xe, đèn nhận diện sẽ bật sáng tự động, xăng được bơm lên và sẵn sàng di chuyển chỉ bằng thao tác bóp phanh, đề nổ.
Lần thứ hai, tháng 5/2020, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng có nội dung quy định các phương tiện mô tô, xe gắn máy cần có đèn luôn sáng nhằm tăng cường khả năng nhận diện của người lái xe đối với xe máy. Cơ sở pháp lý của quy định này là Công ước Vienna về Giao thông đường bộ (Công ước Viên) mà Việt Nam đã tham gia ngày 20/8/2014. Theo đó, Điều 32 Công ước Viên nêu rõ, xe máy tham gia giao thông phải bật đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, Công ước Viên là công ước quốc tế có hiệu lực rất mạnh và Việt Nam một khi đã gia nhập thì phải thực hiện. “Vấn đề là chúng ta phải hiểu Công ước Viên rất sâu và chính xác thì quá trình thực thi mới thuận lợi, không cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân”, TS Khương Kim Tạo nói.
Tuy nhiên, sau đó, quy định này cũng chưa đạt được sự thống nhất và Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa được thông qua.
Lần thứ ba, tại Khoản 4, Điều 49 Dự thảo Luật Đường bộ tiếp tục đưa quy định: Xe mô tô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sau khi Luật này có hiệu lực phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân, tại Dự thảo mới nhất ngày 30/8/2023, toàn bộ Chương III về Phương tiện giao thông đường bộ trong Dự thảo Luật Đường bộ (bao gồm Điều 49) được chuyển sang Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tại Điều 19 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ban soạn thảo đã lược bỏ quy định về đèn nhận diện đối với xe máy; giữ nguyên quy định “người lái xe trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật đèn chiếu sáng phía trước”. Như vậy, nội dung về đèn nhận diện không còn xuất hiện trong Dự thảo Luật, nhưng có thể sẽ được quy định trong các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư trong thời gian tới.
Người dân mong đợi gì?
Lý do thứ nhất khiến nhiều người dân chưa đồng tình với quy định về đèn nhận diện trên xe máy đó là do việc sử dụng loại đèn này chưa thực sự phù hợp với khí hậu Việt Nam. Cụ thể, tại các khu vực đô thị ở Việt Nam, lượng ánh sáng khá lớn, nếu có sương mù thì cũng ở mức độ thấp, không ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn của người tham gia giao thông. Ngược lại, vào những ngày nắng, việc bật đèn chiếu sáng ô tô, xe máy, cho dù là đèn chiếu gần cũng gây cảm giác nóng nực, khó chịu đối với các phương tiện đi ngược chiều.
“Hãy thử tưởng tượng, giữa trời nắng hơn 40 độ, mặt đường không có lấy một bóng cây che mát và 100% xe máy ròi đèn chiếu sáng; đó sẽ là một trải nghiệm kinh hoàng khi tham gia giao thông”, anh Lưu Đức Hoàng (Hà Nội) chia sẻ.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Hải Sơn (Hà Nội) cho biết: “Những ngày có sương mù ở các thành phố lớn như Hà Nội vốn rất ít ỏi. Nếu quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn nhận diện cả ban ngày thì không thực sự phù hợp”.
Lý do thứ hai là quy định này có thể khiến chi phí sản xuất xe máy bị đội lên. Hiện nay, có hai dạng đèn nhận diện thông dụng là đèn chạy xe ban ngày (DRL) và đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO). Trong đó, đèn DRL được gắn phía trước đầu xe, có thể nằm chung cụm đèn chiếu sáng phía trước hoặc nằm ở vị trí thấp hơn vị trí đèn chiếu sáng phía trước. Loại đèn này thường xuất hiện trên một số mẫu xe đời mới của Honda như SH, SH Mode, Lead... Đèn AHO là đèn chiếu sáng phía trước của xe, dùng để chiếu xa (đèn pha) hoặc chiếu gần (đèn cos), nhưng không có công tắc bật/tắt mà sẽ mặc định luôn sáng mỗi khi mở khóa, khởi động xe.
Theo một số đại lý kinh doanh xe tay ga, đèn DRL có cường độ sáng khoảng 400-1.200 CD, thấp hơn nhiều so với đèn chiếu sáng thông thường (khoảng 10.000 CD). Tuy nhiên, chi phí sản xuất một chiếc đèn DRL cao hơn so với đèn thông thường nên giá xe thành phẩm cũng tăng lên một chút. Dù được quảng cáo là không gây chói mắt thực tế có một số khách hàng sau khi mua xe vẫn nhờ kỹ thuật viên lắp đặt thêm một bộ công tắc giúp tắt đèn DRL với giá khoảng vài trăm nghìn đồng.
Ngược lại, một số ý kiến khác lại đồng tình với quy định xe máy phải có đèn nhận diện. Tuy nhiên, cần có một lộ trình phù hợp để người dân dần chấp nhận với những xu hướng mới.
“Thực tế, vào mùa đông, dù mới khoảng 6 giờ chiều nhưng trời đã tối mù mịt. Theo quy định hiện hành thì giờ này chưa bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng. Nhưng nếu có đèn nhận diện thì các phương tiện sẽ dễ dàng phát hiện ra nhau hơn, giúp tránh tai nạn ở thời điểm nhập nhoạng. Những ngày mưa giông, trời tối đen cũng tương tự”, anh Nguyễn Mạnh Giang (Hà Nội) cho biết.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ chế “mềm” hơn khi áp dụng quy định này. Có thể đưa ra quy định dành cho nhà sản xuất, áp dụng với các mẫu xe sản xuất từ sau thời điểm quy định chính thức có hiệu lực. Với các dòng xe máy cũ, chưa có đèn nhận diện thì có thể chủ động bật đèn chiếu gần (đèn cos) khi thời tiết không thuận lợi, tầm nhìn hạn chế. Đồng thời, áp dụng nội dung này vào thực tiễn giải quyết các tranh chấp khi có tai nạn xảy ra, để giúp người tham gia giao thông có ý thức hơn trong việc sử dụng đèn chiếu sáng.
Hiện tại, trong 10 quốc gia ASEAN, chỉ còn Việt Nam, Lào, Campuchia chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy.