Tôi không phải... “chuột bạch”
Nhắc đến ô tô điện ở Việt Nam, nhiều người sẽ gán thêm hai từ “chuột bạch”, ý chỉ những người bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua một chiếc ô tô chạy điện với đầy đủ công nghệ hiện đại, nhưng không biết liệu có thực sự được như quảng cáo hay không, có dính lỗi gì không, có an toàn không... Bởi lẽ, công nghệ ô tô điện mới chỉ thực sự được đầu tư phát triển trở lại từ cách đây 20 năm, trong khi lịch sử phát triển động cơ đốt trong đã có bề dày hơn... 160 năm. Thế nhưng, điều này cũng không khiến những người sở hữu ô tô điện cảm thấy khó chịu hay phiền lòng. Với họ, trải nghiệm một chiếc xe điện cũng giống như trải nghiệm một sản phẩm công nghệ, nhưng khác với một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc máy tính có thể cầm, nắm trong tay, một chiếc ô tô điện có thể tạo nên một cuộc cách mạng về giao thông và văn hóa, thói quen đi lại của người dân trong hàng thập kỷ tới.
Là một người ủng hộ công nghệ mới, hiểu rất rõ về lợi ích của cả xe điện lẫn xe động cơ đốt trong, anh Giang Nguyễn, 40 tuổi, hiện đang sinh sống ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh không đi theo lựa chọn của số đông hay những chiến dịch truyền thông rầm rộ, anh tìm kiếm một sản cân bằng được nhiều yếu tố.
“Ở Việt Nam, số lượng mẫu xe điện chưa có nhiều để chọn lựa. Xe “thuần” điện có thể là đích đến của quá trình điện khí hóa vì giải quyết được vấn đề về môi trường, nhưng lại vướng rào cản về hạ tầng trạm sạc. Nghĩa là, với công nghệ hiện tại về pin, bạn không thể đi được xa mà không nạp thêm điện, trong khi độ phủ của trạm sạc tại Việt Nam chưa thể đảm bảo vấn đề này trong ít nhất 3-5 năm tới. Vậy nên, đối với tôi, lựa chọn phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại phải là một chiếc xe thuộc dòng Hybrid, và giải pháp công nghệ e-POWER trên Nissan Kicks đã khiến tôi chú ý”, anh Giang chia sẻ.
Dựa trên công suất sử dụng pin, xe Hybrid có thể chia làm 4 loại: Micro Hybrid, Mild Hybrid, Full Hybrid và Plug-in Hybrid. Trong đó, Nissan Kicks e-POWER thuộc dòng Full Hybrid dạng mắc nối tiếp. Nghĩa là xe vẫn chạy bằng động cơ điện nhưng lại không phụ thuộc vào trạm sạc. Thay vào đó, pin được nạp điện bằng động cơ xăng.
Công nghệ e-POWER sử dụng hệ thống truyền động hoàn toàn bằng mô tơ điện. Các bánh xe được dẫn động 100% thông qua mô tơ điện công suất cao, không sử dụng sức kéo từ động cơ xăng. Đây là một điểm khác biệt so với xe “thuần” điện và các dòng Hybrid đang lưu hành trên thị trường hiện nay. Động cơ xăng trong Nissan Kicks sẽ đóng vai trò là máy phát điện, cung cấp điện năng cho cụm pin và động cơ điện.
“Không phải đi lòng vòng tìm trạm sạc và mất cả tiếng đồng hồ để chờ sạc đầy pin, chiếc xe này có thể đi đường trường mà không phải lo gián đoạn. Khi nào hết xăng, chỉ cần ghé trạm xăng nạp vào như xe xăng thông thường và đi tiếp. Một chuyến đi của tôi từ Sài Gòn đến Cà Mau và quay về, tổng quãng đường gần 700 km mà không cần ghé trạm xăng lần nào. Còn đối với một chiếc xe thuần điện, bạn phải vào trạm sạc ít nhất một lần để sạc đầy, và có thể thêm một lần sạc nhanh nữa để chắc ăn”, anh Giang nói.
Một lý do khác khiến anh Giang tin tưởng hơn khi lựa chọn Nissan Kicks đến từ những đánh giá tích cực từ những người dùng trước đó. “Sẽ phải thận trọng nếu một chiếc xe được quảng bá rầm rộ, nhưng người dân tại quê hương hãng xe đó lại quay lưng. Điều đó không xảy ra với Nissan khi tôi có dịp công tác tại Nhật Bản vào năm ngoái. Người tiêu dùng ở đó rất quan tâm đến hiệu quả, độ bền bỉ của chiếc xe và công nghệ pin họ sử dụng, cũng như vấn đề bảo vệ môi trường. Trong những lần trở lại Nhật Bản sau đó, rồi sang Singapore, Thái Lan, ở thời điểm Nissan Kicks bắt đầu xuất hiện trên đường, tôi cũng đã có dịp lái thử và nghe những chia sẻ của người dân bản địa. Mọi thứ gói gọn lại trong hai chữ “hài lòng”, anh Giang chia sẻ thêm.
“Đường dài mới biết ngựa hay”
“Tôi trở về Việt Nam với kế hoạch “lên đời” chiếc xe cũ ở nhà. Trải nghiệm ban đầu ở Nhật Bản và Thái Lan đã thôi thúc tôi đặt mua Nissan Kicks trước khi xe chính thức ra mắt thị trường Việt. Vì nhiều lý do, 6 tháng sau, xe mới được bàn giao, nhưng với tôi cũng không phải vấn đề gì lớn. Điều tôi quan tâm hơn là khả năng vận hành của xe ra sao trong nhiều năm tới”, anh Giang Nguyễn cho biết.
Quãng đường 30 km đi làm mỗi ngày, cộng thêm những chuyến đi liên tỉnh, chỉ sau hơn 4 tháng, chiếc Kicks của anh Giang đã dễ dàng cán mốc ODO 10.000 km. Cảm giác đầu tiên là động cơ điện mạnh mẽ, mô-men xoắn cao và tức thì, không có độ trễ khi đạp chân ga. Bán kính quay đầu của xe chỉ hơn 5m, nghĩa là trong không gian chật hẹp của đô thị, người lái không phải quá lo lắng việc xoay sở xe. Ghế lái không trọng lực, ôm sát người, bọc da cao cấp tạo cảm giác ngồi mềm mại và không bị trượt. Khả năng cách âm của Kicks được anh Giang đánh giá là tốt so với một số mẫu xe cùng phân khúc. Bên cạnh đó, lượng tiêu hao nhiên liệu thực tế vào khoảng 3.5 lít/100 km trên đường đô thị và 5.2 lít/100 km trên đường hỗn hợp.
“Xe tiết kiệm nhiên liệu hơn xe xăng truyền thống mà vẫn không hề đánh đổi sức mạnh của xe điện”, anh Giang nhấn mạnh. “Với khoảng sáng gầm hơn 180mm, bạn sẽ không phải lo lắng các đường gồ ghề, không bằng phẳng hay leo các gờ cao. Vừa qua, tôi có chuyến đi xa 1.600 km cho 2 chiều từ Sài Gòn đi Quãng Ngãi với các cung đường hỗn hợp, cao tốc, đèo núi và Kicks đã mang lại cảm giác đi đèo núi thật sự an tâm. Xe cực kỳ mạnh mẽ để leo các dốc cao và dài liên tục”.
Điểm nhấn trong vận hành của Nissan Kicks là chế độ vận hành một chân ga (e-Pedal Step). Tính năng này được giới thiệu lần đầu trên phiên bản Nissan Leaf và được hoàn thiện hơn trên các phiên bản xe hiện tại. Qua trải nghiệm thực tế, anh Giang và nhiều người dùng khác đều khẳng định, e-Pedal giúp việc lái xe trở nên nhàn nhã hơn rất nhiều so với xe chạy động cơ đốt trong. Hầu hết thời gian, người lái chỉ cần dùng một chân ga để điều khiển; chỉ khi nào cần dừng hẳn xe hoặc phanh gấp mới cần đến bàn đạp phanh.
“Nhắc lại chuyến đi Quảng Ngãi vừa rồi, cảm giác “đã” nhất là lúc đổ đèo. Bạn hầu như không cần dùng đến phanh vì e-Pedal đã làm rất tốt chức năng của nó, vừa hãm xe, vừa sạc lại pin cho xe, một công đôi việc. Với xe chạy động cơ đốt trong, nếu không có kinh nghiệm đi đường đèo, bạn có thể đốt cháy phanh và tốn rất nhiều nhiên liệu”, anh Giang chia sẻ.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm trừ mà theo anh Giang, nhà sản xuất hoàn toàn có thể cân nhắc điều chỉnh. Thứ nhất, hàng ghế sau nên rộng rãi hơn, cả về phía trước lẫn hai bên ghế. Thứ hai, sẽ tốt hơn nếu xe được trang bị một khối pin lớn hơn để thuận lợi cho thói quen sử dụng của mọi người. Thứ ba, thêm cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau để hơi lạnh tỏa đều và nhanh hơn cho những chuyến đi dài.
“Bỏ qua những “hạt sạn” kể trên, với tôi, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn Nissan Kicks với tầm giá và công nghệ mà nó mang lại. Một lựa chọn hoàn toàn phù hợp với đặc thù ở Việt Nam khi mà trạm sạc vẫn còn quá ít ỏi; một chiếc xe ít phát thải CO2 và mang lại trải nghiệm lái giống như một chiếc xe thuần điện. Khi cần một chiếc xe cỡ lớn để đi chung cả gia đình, tôi vẫn còn một lựa chọn nữa là Nissan Xtrail E-Power sắp ra mắt, một chiếc SUV “xanh”, rộng rãi, và mạnh mẽ”, anh Giang Nguyễn nói.