Học viên được học lý thuyết trực tuyến
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và các hạng F được đào tạo, đối với nội dung học lý thuyết được lựa chọn một trong các hình thức sau: tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
So với quy định cũ tại Điều 8 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, quy định mới cho phép học viên được học lý thuyết trực tuyến đối với một số nội dung. Riêng đối với các môn gồm: cấu tạo và sửa chữa thông thường; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe vẫn phải học tập trung tại cơ sở đào tạo. Các nội dung học thực hành, kiểm tra lý thuyết và thực hành cũng phải thực hiện tại cơ sở đào tạo để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ đào tạo.
Trên thực tế, đa số người học lái ô tô đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc học lái ô tô là nguyện vọng cá nhân, không được ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng công việc chuyên môn. Do đó, quy định mới lần này góp phần giúp các học viên chủ động hơn trong việc học lý thuyết.
Mặc dù vậy, Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT cũng quy định chặt chẽ hơn về công tác quản lý chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe thông qua hệ thống camera giám sát có kết nối dữ liệu với Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh. Theo đó, hệ thống camera phải được bố trí tại phòng sát hạch lý thuyết, mô phỏng các tình huống giao thông, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch (bao gồm các bài: xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc). Hệ thống sử dụng camera có IP, có độ phân giải HD trở lên, có giao diện tương tác, kết nối đáp ứng tối thiểu theo tiêu chuẩn mở ONVIF, được đồng bộ về thời gian với máy chủ sát hạch lý thuyết, máy tính điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình; đảm bảo kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) theo giao thức chuẩn mở sử dụng cho trao đổi dữ liệu hai chiều thời gian thực giữa máy chủ và máy trạm về Cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống các thiết bị nói trên phải đảm bảo tính bảo mật, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên ngoài.
Như vậy, quy định này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng gian lận khi thi lý thuyết, thực hành, đảm bảo học viên học đủ số giờ quy định đối với mỗi học phần.
Hồ sơ, thủ tục học lái xe năm 2024
Theo Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT, đối với người học lái xe lần đầu, hồ sơ gồm: Đơn đề nghị học, sát hạch; Bản sao thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài; Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Đối với người học lái xe nâng hạng, ngoài các giấy tờ kể trên, cần có: Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch); Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn.
Tổng thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành đối với các hạng B1 số tự động, B1 số sàn, B2, C lần lượt là 204 giờ, 220 giờ, 252 giờ và 262 giờ. Trong đó, so với các quy định cũ trước đây, học viên phải học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông với thời lượng 4 giờ; thực hành trên cabin 3 giờ; thực hành trên sân tập lái 41-43 giờ; thực hành trên đường giao thông 24-48 giờ; tổng quãng đường đào tạo thực hành của mỗi học viên từ 1.000-1.100 km. Số học viên được quy định trên một xe tập lái đối với hạng B1, B2 không quá 5 học viên, hạng C không quá 8 học viên.
Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT cũng bổ sung khoản 14 vào Điều 3 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT như sau: Thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau.
Quá thời hạn một năm kể từ ngày cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra hoặc xét cấp chứng chỉ kết thúc khóa học mà học viên không đủ điều kiện cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.
Đối với thí sinh dự sát hạch lái xe hạng B1 số tự động, B1, B2 phải thực hiện liên hoàn 11 bài sát hạch lái xe trong hình gồm: Xuất phát; Dừng xe nhường đường cho người đi bộ; Dừng và khởi hành xe ngang dốc; Qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc; Qua ngã tư có tín hiệu điều khiển giao thông; Qua đường vòng quanh co; Ghép xe dọc vào nơi đỗ; Ghép xe ngang vào nơi đỗ; Tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua; Thay đổi số trên đường bằng; Kết thúc. Tổng thời gian sát hạch là 18 phút, thang điểm 100, điểm đạt tối thiểu 80.
Cấp mới, cấp đổi GPLX năm 2024
Sau khi học viên đạt kết quả kỳ sát hạch và hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp GPLX, thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
Trường hợp mất GPLX còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng sẽ được xét cấp lại giấy phép lái xe. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe; Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có); Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3.
Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại nơi tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải, người lái xe gửi một bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu. Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại giấy phép lái xe.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được xét cấp lại giấy phép lái xe, Sở Giao thông vận tải thực hiện cấp lại giấy phép lái xe và trả giấy phép lái xe khi người lái xe đã hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe; trường hợp không cấp lại giấy phép lái xe thì phải trả lời và nêu rõ lý do.
Trường hợp mất GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại lý thuyết nếu GPLX quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm; sát hạch lại lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường nếu GPLX quá hạn từ 1 năm trở lên.