1. “Cú sốc” về doanh số ô tô
Trái ngược với mong đợi của các hãng xe hơi và người tiêu dùng, thị trường ô tô Việt Nam vừa cán mốc doanh số trên 400.000 xe vào năm 2022 (theo số liệu của VAMA), nhưng lại chỉ đạt gần 300.000 chiếc trong năm 2023, giảm khoảng 29% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính do kinh tế chung sụt giảm, kéo theo sự sụt giảm doanh thu và thu nhập của doanh nghiệp, người dân, dẫn đến lực cầu giảm mạnh. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm các sản phẩm xa xỉ như nhà đất, ô tô, hàng hiệu... Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng vẫn neo ở mức cao và khó giải ngân khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi mua ô tô trả góp.
2. Chính sách ưu đãi chưa đủ vực dậy thị trường
Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ 1/7/2023 đến 31/12/2023. Tuy nhiên, khác với hai lần ban hành chính sách trước đó, ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ trong năm 2023 không giúp đẩy doanh số bán hàng ô tô lên cao như kỳ vọng. Theo đó, doanh số ô tô toàn thị trường theo thống kê của VAMA từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023 vẫn gần như đi ngang ở mức khoảng 25.000 xe/tháng.
Cũng trong năm 2023, các hãng xe và đại lý ô tô tại Việt Nam liên tục ra mắt các chương trình ưu đãi, giảm giá bán trực tiếp hoặc gói quà tặng, đi kèm chính sách giảm 50-100% lệ phí trước bạ của riêng hãng, tặng gói bảo hiểm thân vỏ, ưu đãi vay mua ô tô lãi suất 0% trong những tháng đầu... So sánh với năm 2022 và những năm trước đó, các chương trình ưu đãi năm 2023 có mật độ dày đặc hơn, giảm giá “sốc” hơn. Thậm chí, nhiều đại lý sẵn sàng bán “cắt lỗ” để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được mới chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế đà sụt giảm và giải phóng lượng hàng tồn kho.
3. Xe mới “ồ ạt” vào Việt Nam
Dù thị trường chung sụt giảm, năm 2023, thị trường ô tô Việt vẫn đón nhận gần 40 mẫu xe mới với tổng số khoảng 60 phiên bản, chưa bao gồm các phiên bản nâng cấp giữa dòng đời (facelift).
Đáng lưu ý, đa số mẫu xe mới ra mắt đều ở tầm giá dưới 1 tỷ đồng, tập trung vào dòng xe sedan và crossover/SUV hạng B, hạng C. Điều này giúp người tiêu dùng Việt có thêm nhiều lựa chọn trong khả năng tài chính có thể chi trả.
4. Xe điện VinFast “khuấy động” thị trường
Trái ngược với diễn biến khá trầm lắng của thị trường ô tô trong nước, hãng xe điện Việt Nam, VinFast lại có một năm tràn ngập thành tích. Trong đó, kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu ô tô của VinFast đã thực hiện thành công bằng 3 sự kiện chính. Một là, bàn giao những chiếc VF 8 đầu tiên trong lô 999 xe tại thị trường Mỹ, sau đó tiếp tục xuất khẩu lô xe điện thứ hai với số lượng 1.879 xe VF 8 đến Bắc Mỹ hồi tháng 4/2023. Hai là, sự kiện niêm yết mã chứng khoán VFS trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ của Mỹ vào ngày 15/8/2023. Ba là, khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô điện tại hạt Chatham, Bắc Carolina (Mỹ) vào ngày 29/7/2023 với công suất dự kiến 150.000 xe/năm, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD.
Tại thị trường trong nước, trong năm 2023, lượng xe ô tô điện VinFast bàn giao đến khách hàng tăng mạnh so với năm 2022. Thời điểm tháng 4 và tháng 5/2023, khi doanh số ô tô toàn thị trường sụt giảm mạnh, VinFast VF e34 và VF 8 bất ngờ vươn lên vị trí top 1 xe bán chạy nhất của tháng. Lũy kế 9 tháng năm 2023, nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam đã bàn giao 21.342 xe, bao gồm VF e34, VF 5 Plus, VF 8 và VF 9. Cũng trong năm này, VinFast đã ra mắt 2 mẫu xe cuối cùng trong series SUV điện của mình là VF 6 và VF 7.
Ngày 6/3 2023, Vingroup thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast. Chỉ sau vài tháng, taxi điện mang thương hiệu Xanh SM đã xuất hiện tại gần 30 tỉnh, thành trong cả nước với các mẫu xe chủ đạo là VF e34, VF 5 Plus và VF 8. GSM cũng đã làm việc với một số đối tác ở Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia và Philippines để đàm phán và tiến tới “phủ sóng” taxi điện mang thương hiệu Việt Nam khắp Đông Nam Á và trên thế giới. Ngày 9/11/2023, tại thủ đô Viêng Chăn, GSM đã chính thức khai trương dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Lào với thương hiệu Xanh SM.
5. Xu hướng điện khí hóa ngày càng mạnh mẽ
Ngoài các mẫu xe điện VinFast, trong năm 2023, hàng loạt các mẫu xe điện mới được giới thiệu tại thị trường Việt Nam, trong đó chủ yếu là các thương hiệu từ Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi dần từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện. Trong đó, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng kể từ khi Chính phủ cam kết tại COP26 sẽ hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, toàn bộ các sản phẩm ô tô điện chạy pin sẽ được miễn lệ phí trước bạ, được giảm thuế TTĐB xuống 3%.
Các mẫu xe điện ra mắt thị trường Việt trong năm 2023 gồm: VinFast VF 6, VF 7, VF 3 (bản concept), Wuling Hongguang MiniEV, Haval H6 Hybrid, Haima 7X-E, OMODA 5, Toyota Innova Cross 2.0HEV, Mercedes-Benz EQB, EQE và EQS...
6. Các hãng xe xây dựng nhà máy tại Việt Nam
Ngày 18/2/2023, Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) – (SAIC – WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của GM – (SAIC – WULING) tại Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên là mẫu Wuling Hongguang MiniEV đã chính thức bàn giao tới khách hàng Việt từ ngày 29/9. Đến nay, TMT Motors đã khai trương 21 đại lý Wuling trên toàn quốc.
Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Skoda Auto tại Quảng Ninh được triển khai trên cơ sở hợp tác giữa TC Motor (Tập đoàn Thành Công) và Skoda, hãng xe nổi tiếng của Cộng hòa Séc. Dự án có quy mô 36,5ha, công suất 120.000 xe năm, tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng.
Ngày 2/11/2023, Công ty TNHH Ô tô OMODA & JAECOO chính thức ký kết hợp tác đầu tư với CTCP Tập đoàn Geleximco tại tỉnh Thái Bình. Sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô “khủng” trị giá lên đến 800 triệu USD. Điều này cho thấy, OMODA & JAECOO đang muốn phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam.
7. Gần 40 vụ triệu hồi ô tô
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2023 đã có 39 đợt triệu hồi với số lượng 53.324 ô tô các loại để khắc phục lỗi, tăng gấp đôi so với năm 2022. Tình trạng lỗi kỹ thuật có xu hướng gia tăng khi các hãng xe chạy đua công nghệ và liên tục ra mắt mẫu xe mới, phiên bản mới trong một khoảng thời gian ngắn. Một số lỗi thường gặp khiến ô tô phải quay lại xưởng bao gồm: lỗi phần mềm, lỗi trục lái, hệ thống phanh, hệ thống điện, điều hoà, dây an toàn, túi khí...
8. Vụ bê bối của Daihatsu
Toyota cho biết, một hội đồng độc lập đã điều tra Daihatsu sau khi thương hiệu này thừa nhận vào tháng 4 rằng họ đã gian lận trong các cuộc kiểm tra an toàn va chạm bên hông được thực hiện cho 88.000 chiếc ô tô. Khoảng 174 điểm bất thường đã được xác định trên 64 mẫu xe, bao gồm cả một số xe được bán dưới thương hiệu Toyota. Do đó, Daihatsu đã buộc phải đình chỉ xuất hàng toàn bộ các sản phẩm ô tô hiện có của mình.
Theo thông tin từ Daihatsu, trong các mẫu bị ảnh hưởng có mẫu Avanza (tên gọi khác của Avanza Premio ở Việt Nam), nhưng chưa rõ liên quan tới gian lận nào. Ngày 21/12, Toyota Việt Nam cũng xác nhận dừng bán mẫu Avanza phiên bản MT. Việc mở bán trở lại sẽ được cân nhắc sau khi nhận được thông tin từ cơ quan kiểm tra và chứng nhận độc lập ở nước ngoài.