Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo TTATGT, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, nhất là tại thành phố lớn và các tuyến giao thông trọng điểm, tuyệt đối không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông; Bộ Công an giao Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và CSGT Công an các đơn vị địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác bảo đảm TTATGT.
Trên đường bộ, lực lượng CSGT áp dụng triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để phát hiện, xử lý vi phạm, quản lý công tác cán bộ, chiến sỹ CSGT.
Tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện; chở quá số người quy định; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành gây cản trở giao thông, chống lại lực lượng thi hành công vụ; phòng, chống đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, chủ động ngăn chặn ngay từ khi nhen nhóm; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm... .
Bên cạnh đó lực lượng sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát cơ động bằng xe ô tô, mô tô để xử lý các vi phạm; sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm. Duy trì và phát huy hiệu quả các tổ công tác phối hợp giữa CSGT và các lực lượng Công an khác để phát hiện, xử lý các đối tượng cố ý vi phạm về TTATGT, tụ tập xe mô tô phóng nhanh lạng lách gây mất trật tự công cộng, đua xe trái phép, kết hợp với đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đồng thời tổ chức tốt công tác nắm tình hình, rà soát lại toàn bộ các phương án phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cho phù hợp, kịp thời huy động lực lượng, phối hợp và bố trí lực lượng thường trực, ứng trực để giải quyết khi có dấu hiệu ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, như: 1, 2, 3, 5, 6, 14, 18, 19, 20, 22, 51..., đường Hồ Chí Minh; các địa điểm tổ chức các lễ hội, các bến xe, bến tàu, nhà ga có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc.