Trong đó, UBND TP. Hà Nội giao Công an Thành phố tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân theo đúng quy định về giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường; nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố quy định rõ đối với từng loại hình được cấp và sử dụng giấy đi đường.
Công an Thành phố là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng địa phương siết chặt kiểm soát tại 23 chốt ra vào Thành phố, kể cả xe công vụ, xe cứu thương, xe “luồng xanh”, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và lợi dụng xe ưu tiên để đưa người vào Thành phố không đúng quy định.
UBND Thành phố giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân theo đúng quy định về giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường.
Công an Thành phố sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố quy định rõ đối với từng loại hình trên nguyên tắc thực hiện theo đúng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung ứng các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực không thiết yếu; các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, tham mưu UBND Thành phố có các quy định, phương án cụ thể và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm giãn cách xã hội của tổ chức, cá nhân; kiểm soát hiệu quả việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tham gia lưu thông; chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thu đô có các giải pháp thực hiện nghiêm giãn cách trong khu vực phong tỏa.
Thường xuyên đánh giá, phân tích, tổng hợp, báo cáo và đề xuất các giải pháp xử lý đối với các trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng; các đơn vị, tổ chức cấp giấy phép đi đường không đúng quy định; tăng cường kiểm tra, siết chặt công tác quản lý và cấp phép cho các phương tiện giao thông được phép lưu thông (kể cả xe chuyên dụng) để phục vụ phòng, chống dịch…
Thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, chấn chỉnh việc cấp giấy phép đi đường của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức; các phương tiện lưu thông, kể cả xe cứu thương, xe công vụ, xe container... được cấp phép “luồng xanh”, không để lợi dụng, vi phạm quy định phòng, chống dịch; kiểm tra các doanh nghiệp không thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, yêu cầu chấp hành nghiêm việc cấp giấy đi đường và phê duyệt phương án sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch; kiên quyết xử lý và cho tạm dừng hoạt động những đơn vị không chấp hành nghiêm quy định.
Tổ liên ngành gồm lực lượng công an, y tế, thanh tra kiểm tra đột xuất về công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện giãn cách xã hội tại tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
Trước đó, Công an thành phố Hà Nội thông tin, từ 11h ngày 27/8 đến 11h ngày 28/8, 23 chốt kiểm soát ra, vào thành phố đã kiểm soát 11.065 lượt phương tiện, với 14.057 lượt người qua chốt. Lực lượng chức năng cũng yêu cầu 1.680 lượt phương tiện không vào thành phố, 667 lượt phương tiện không ra ngoài thành phố.
Trong thời gian nêu trên, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 819 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có 71 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; 5 cơ sở vi phạm; 743 trường hợp không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...
Công an thành phố Hà Nội cho biết, qua tổng hợp, phân tích giấy đi đường của 5.529 trường hợp cho thấy tỷ lệ giấy đi đường do doanh nghiệp tư nhân cấp cao gấp 5 lần số giấy đi đường do cơ quan nhà nước cấp. Cụ thể, giấy đi đường do cơ quan nhà nước cấp là 804 trường hợp (chiếm 14,5%) và giấy đi đường do doanh nghiệp tư nhân cấp là 4.725 trường hợp (85,5%).