Hà Nội: Bổ sung 2.700 điểm dừng, đưa xe buýt đến gần hơn với đường sắt đô thị

Minh Long

Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP phê duyệt Đề án “Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân”. Trong đó, đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, đưa xe buýt đến gần hơn với đường sắt đô thị.

Hà Nội: Bổ sung 2.700 điểm dừng, đưa xe buýt đến gần hơn với đường sắt đô thị - Ảnh 1

Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2022 - 2025 lên tới hơn 357 tỷ đồng, trong đó có hơn 48 tỷ đồng vốn ngân sách TP và hơn 309 tỷ đồng nguồn xã hội hóa.

Hà Nội hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt (361 điểm dừng có nhà chờ), mật độ 1,1 điểm/km2, phục vụ cho hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt. 

Khu vực nội thành có tổng số 1.152 điểm (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 630m; mật độ 3,8 điểm/km2, bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m).

Tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500m đạt khoảng 80%, một số khu vực tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ trên 500m do hệ thống đường giao thông có mặt cắt nhỏ không thể tổ chức dịch vụ xe buýt.

Trước tình hình thực tế, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt (nâng tổng số điểm dừng xe buýt lên khoảng 6.500 điểm, tăng từ 65 - 70% so với hiện nay).

Khu vực ngoại thành gồm 2.661 điểm (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 900m; 0,8 điểm/km2, các điểm dừng chủ yếu bố trí trên những đường trục chính: Quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện). Tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500m đạt khoảng 30%.

Theo Sở Giao thông Vận tải, hệ thống biển báo điểm dừng xe buýt hiện nay được lắp đặt hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế hạ tầng giao thông, nhu cầu đi lại của hành khách và thuận lợi cho vận hành xe buýt trên cơ sở ý kiến khảo sát của liên ngành và được điều chỉnh hợp lý sau khi có phản hồi của hành khách.

Tuy nhiên, bên cạnh đó hệ thống hạ tầng xe buýt vẫn có những tồn tại cần giải quyết như: Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 10%) dẫn đến hạn chế về chất lượng dịch vụ, gây bất tiện cho hành khách đặc biệt những hành khách chờ chuyển tuyến. Chưa phát triển loại hình Park & Ride, do vậy chưa thu hút được nhóm hành khách sử dụng phương tiện cá nhân trung chuyển sang phương tiện công cộng.

Ngoài ra, nhiều khu vực khả năng tiếp cận bị hạn chế bởi những đường, ngõ nhỏ trong khu vực nội đô hoặc nằm tại các thôn, xóm xa đường trục chính tại khu vực ngoại thành. Nhiều điểm dừng xe buýt không có vạch sơn, cho người đi bộ qua đường, đa số các điểm dừng bố trí xa nút giao, điểm quay đầu, do vậy không thuận lợi cho hành khách. Thông tin dịch vụ xe buýt trên hệ thống hạ tầng còn hạn chế….

Để giải quyết các vấn đề còn bất cập, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt (nâng tổng số điểm dừng xe buýt lên khoảng 6.500 điểm, tăng từ 65 - 70% so với hiện nay), bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt.

Bên cạnh đó, rút ngắn cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị trong khoảng 300 – 600m, khu vực khác điểm dừng xe buýt được ưu tiên bố trí gần khu dân cư, tiếp cận gần đường, ngõ kết nối vào thôn, xóm.

Ngoài ra, bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tích hợp tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, điểm trông giữ phương tiện cá nhân đảm bảo cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m.

Sở Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu giải pháp bố trí điểm dừng xe buýt gần những nút giao để giảm tối đa quãng đường đi bộ trung chuyển giữa các tuyến buýt, đảm bảo an toàn cho hành khách qua đường thông qua hệ thống hạ tầng cho người đi bộ tại nút giao (vạch sơn, đèn tín hiệu....). Tập trung phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt nâng tổng số điểm trung chuyển xe buýt của Thành phố lên 21 điểm, phân bố đều trên địa bàn.

Đặc biệt, nhằm kết nối hạ tầng xe buýt với phương tiện cá nhân, Sở Giao thông Vận tải đề xuất tổ chức 53 điểm Park & Ride để người dân có thể gửi phương tiện cá nhân trung chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Nâng cao khả năng tiếp cận phương tiện xe buýt của người dân nằm ngoài phạm vi đi bộ hợp lý hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân khi tới các khu vực hạn chế hoạt động của xe máy, khu vực thu phí phương tiện cơ giới.

Theo Vneconomy

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.