Đại gia Việt trong cuộc đua phát triển xe điện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Hoàng Lâm

Xe điện là xu hướng tương lai nên không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây sau VinFast đã có những đại gia khác quyết định đổ tiền vào đầu tư sản xuất ô tô điện. Tuy nhiên, tại thị trường Việt, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.

Những đại gia Việt nào đang đổ tiền cho xe điện?

VinFast VF e34 - mẫu xe điện đầu tiên của Việt Nam.
VinFast VF e34 - mẫu xe điện đầu tiên của Việt Nam.

Hiện tại “miếng bánh” thị phần xe điện tại Việt Nam do chính các thương hiệu Việt phát triển vẫn chưa có nhiều. Người đầu tiên khởi động cuộc chạy đua sản xuất xe điện tại Việt Nam không ai khác chính là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Chỉ trong vòng 12 tháng, từ đầu 9/2017, với tốc độ khó tin, Tập đoàn Vingroup của ông Vượng đã biến bãi sình lầy tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) thành tổ hợp nhà máy ô tô, xe máy điện 335ha, với tổng giá trị 3,5 tỷ USD.

Ngày 25/12/2021, VinFast đã chính thức bàn giao lô xe điện VF e34 đầu tiên đến tay khách hàng. Tiếp đó ngày 6/1 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022 (Mỹ), VinFast tiếp tục ra mắt dải 5 xe ô tô điện phủ đủ 5 phân khúc A, B, C, D, E. Trong đó, VF 8 phân khúc D và VF 9 phân khúc E đã chính thức được mở bán trên toàn cầu. 

Mục tiêu của VinFast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế tổ hợp sản xuất ô tô 500.000 xe/năm và tổ hợp sản xuất xe máy điện 1 triệu xe/năm vào năm 2025. Giữa tháng 7/2022, VinFast tiếp tục khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố chính thức bỏ sản xuất ô tô xăng, tập trung sản xuất ô tô điện. 

Hãng xe Việt Nam VinFast với tốc độ phát triển thần tốc cũng vừa trình làng mẫu xe thể thao chạy hoàn toàn bằng điện trong ngày 10.9 có tên VF 8 và bàn giao cho những khách hàng đầu tiên tại chính Việt Nam trước khi Mỹ tiến.

Mới đây nhất, tại trụ sở UBND tỉnh Thái Bình đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng giữa Tổng công ty Viglacera với Tập đoàn Geleximco để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại khu công nghiệp Tiền Hải. Dự án có quy mô gần 50ha, tổng mức đầu tư 800 triệu USD. Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong nước vì cuộc đua trong thị phần xe điện tại Việt Nam thời gian tới sẽ rất khốc liệt giữa các ông lớn, nhưng người tiêu dùng sẽ là những người được hưởng lợi vì có thêm nhiều lựa chọn.

Geleximco cho biết sau khi thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Tiền Hải, Tập đoàn này sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại, có đầy đủ các dây chuyền như: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định của pháp luật với trình độ tự động hóa cao.

Về công nghệ sản xuất, nhà máy sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu bảo đảm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Nhà máy hướng đến sản xuất dòng xe ô tô nhiên liệu trong tương lai là xe điện và xe pin nhiên liệu, đây là những loại xe thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nhà máy còn sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu. Dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2024 đến 2030 có sản lượng sản xuất 50.000 xe/năm, sử dụng khoảng 1.200 nhân lực; giai đoạn 2 từ năm 2030 trở đi có sản lượng sản xuất 100.000 xe/năm, sử dụng 2.500-3.000 nhân lực. Tổng mức đầu tư của dự án dự tính trong giai đoạn 1 là 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 500 triệu USD, tương đương 11.800 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại doanh thu 100.000 tỷ/năm, đóng góp thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 3.400 tỷ/năm, VAT 1.000 tỷ/năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 100 tỷ/năm.

Xe tự hành thông minh Phenikaa được nghiên cứu,phát triển và hoàn thiện mẫu xe prototype đầu tiên chỉ sau 6 tháng.
Xe tự hành thông minh Phenikaa được nghiên cứu,phát triển và hoàn thiện mẫu xe prototype đầu tiên chỉ sau 6 tháng.

Trước Geleximco, Tập đoàn Phenikaa của đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng cũng từng gây sốt khi thông qua đơn vị thành viên là CTCP Phenikaa X (công ty start-up do chính Chủ tịch Trường Đại học Phenikaa – Tiến sỹ Hồ Xuân Năng và Tiến sỹ Lê Anh Sơn sáng lập) giới thiệu xe tự hành thông minh cấp độ 4 "Made in Vietnam" đầu tiên tại Việt Nam hồi đầu năm 2021.

Đó là mẫu xe tự hành thông minh "Made in Vietnam" đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ xe tự lái ở cấp độ 4 dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư xe hơi (SAE) do chính đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia của Tập đoàn nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, nhà sản xuất cũng cho hay, xe sẽ có những tính năng thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng bản đồ 2D/3D, cảm biến Lidar, SLAM, học máy, học sâu…

Cơ hội và thách thức

Đại gia Việt trong cuộc đua phát triển xe điện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 1

Một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Toyota hiện đang hợp tác với trường Đại học Bách khoa để nghiên cứu việc sử dụng xe Hybrid và thu được kết quả tích cực về tiêu chí tiêu thụ nhiên liệu và mức độ phát thải hay Mitsubishi cũng có hai chương trình nghiên cứu chung với Cục Công nghiệp và Sở Công Thương Đà Nẵng về tính phù hợp trong việc sử dụng xe BEV và PHEV tại Việt Nam…

Bên cạnh đó là hàng loạt mẫu xe như Audi e-Tron, Jaguar i-Pace, Porsche Taycan, Kia EV6 cũng đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng mới dừng ở dạng thăm dò thị trường.

Hiện tại, các doanh nghiệp “thuần Việt” tham gia vào lĩnh vực là xe điện chưa nhiều. Sau VinFast cũng mới chỉ có Phenikaa X và mới đây nhất là Geleximco chính thức nhảy vào tham gia việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Có thể thấy, với bối cảnh hiện tại, dư địa cho các hãng xe điện Việt trên chính sân nhà là rất nhiều trong xu thế dịch chuyển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Không chỉ thế, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, Việt Nam đã có những chính sách mạnh tay hơn để khuyến khích phát triển ô tô điện. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về lệ phí trước bạ, trong đó, các loại ô tô điện chạy pin được miễn lệ phí trước bạ trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Chính sách mới được cho sẽ thu hút được sự quan tâm của nhóm người dùng ở thị trường Việt Nam đang có ý định sở hữu ô tô điện.

Quốc hội cũng đã đồng thuận với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe ô tô điện với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông.

Cụ thể, từ 1/3/2022 đến hết 28/2/2027, các loại ô tô điện chạy bằng pin từ 9 chỗ trở xuống sẽ có thuế suất là 3%; từ ngày 1/3/2027, mức thuế sẽ là 11%. Loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ là 2%; từ ngày 1/3/2027 là 7%.

Đại gia Việt trong cuộc đua phát triển xe điện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 2

Ô tô điện loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ có mức thuế suất là 1%, từ ngày 1/3/2027 mức thuế là 4%. Trong khi đó, loại thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng có mức thuế TTĐB 2% và từ ngày 1/3/2027, mức thuế sẽ là 7%.

Các loại ô tô chạy điện khác có mức thuế TTĐB từ 5 - 15% tùy loại. Trong đó, xe dưới 9 chỗ có mức thuế 15% và loại thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng là 10%.

Các thành phố lớn của Việt Nam hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi xe buýt xăng sang xe buýt điện. Sở GTVT Hà Nội tính toán, tới năm 2025, thành phố cần 21 nghìn tỷ để chuyển đổi gần 1.100 xe buýt động cơ xăng, dầu sang xe điện.

Đặc biệt, về giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 - 50%, TP.HCM đạt 25%, Đà Nẵng đạt 25 - 35%, Cần Thơ đạt 20%, Hải Phòng đạt 10 - 15%; đô thị loại 1 đạt ít nhất 5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi của một thị trường đang “chớm nở” thì còn đó là những khó khăn. Xe điện tại Việt Nam thực tế vẫn còn hiếm và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự chú trọng vào đầu tư kinh doanh, ngoại trừ hãng xe nội địa VinFast sản xuất xe và có bài toán đầu tư bài bản cho hệ thống trạm sạc.

Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in-hybrid) năm 2019 là 140 xe, tăng lên 900 xe vào năm 2020 và đến hết quý I/2021 là 600 xe.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chi phí sở hữu một chiếc ô tô ở Việt Nam hiện vẫn còn khá cao. Ngoài giá bán niêm yết, khách hàng phải chi thêm một số khoản thuế, phí khác để xe được lăn bánh như thuế VAT, lệ phí trước bạ, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc,...

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp xe điện là một trong những ngành sản xuất đắt tiền do nguyên vật liệu khai thác còn hạn chế hoặc do những vấn đề khó khăn khi nhập nguyên liệu với mức thuế cao. Từ đó khiến cho mức giá sản phẩm cao hơn so với một số xe chạy bằng xăng. Mặc dù giá thành chắc chắn sẽ được thu hẹp trong tương lai nhưng hiện tại vẫn đang gặp nhiều thách thức. 

Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo Nghị định giảm một nửa lệ phí trước bạ đối với xe điện. Trong khi Bộ Giao thông vận tải cũng đang nỗ lực cùng các Cơ quan Chính phủ để phát triển giao thông xanh và thân thiện môi trường sống, trong đó có bao gồm những thứ liên quan đến chính sách ưu đãi dành cho các sản phẩm ô tô điện, ắc quy, và phụ tùng đi kèm. Tuy nhiên, chính sách của Chính Phủ đang tập trung phần lớn cho vấn đề giảm phát thải CO2, giảm lo ngại về sức khỏe cộng đồng và chưa thực sự nỗ lực mạnh mẽ cho chính sách liên quan đến phát triển xe điện. Vì thế, các nhà đầu tư cũng cần phải tăng cường tham gia vào để có thể góp phần thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn.

Ngoài ra, tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho phát triển xe điện còn chưa đồng bộ. Đơn cử là bài toán trạm sạc cho xe điện. Hiện mới chỉ có tập đoàn tiên phong VinFast dự kiến hoàn thành 2000 trạm sạc vào cuối 2021 nhưng vẫn còn một số vấn đề bất cập. Trong khi đó, các hãng xe khác mang xe điện nhập khẩu về Việt Nam đa phần đều chưa phát triển hệ thống trạm sạc.

Dù tồn tại nhiều thách thức nhưng sức hút của ngành ô tô trong đó đặc biệt đối với lĩnh vực xe điện là không thể bàn cãi. Với sự góp mặt của càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô thì sẽ càng đem lại nhiều sự cạnh tranh lành mạnh hơn cho thị trường Việt. Người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn với giá cả hợp lý hơn và đặc biệt sẽ giúp xe điện được phổ biến hơn trong tương lai.

Theo Vneconomy

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.