Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hạ tầng trạm sạc
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phú ký Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh). Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh dành cho đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị.
Cụ thể, mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh lĩnh vực đường bộ giai đoạn 1 (2022-2030), cần thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trạm dừng nghỉ đường bộ. Tại Thông tư 09, điểm 2.2.2, điểm 2.3.1 quy định trạm dừng nghỉ phải có khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện, trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng. Đối với trạm dừng nghỉ loại 1, loại 2, số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư. Đối với trạm dừng nghỉ loại 3, loại 4, việc đầu tư hạ tầng trạm sạc được khuyến khích, không phải yêu cầu bắt buộc.
Thông tư 09 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2024. Đối với các trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào khai thác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn này trước ngày 01/01/2027.
Theo các chuyên gia, đây là nội dung quy định mới có tính chất ràng buộc đối với các trạm dừng nghỉ có diện tích từ 5.000 m2 trở lên và là nội dung cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, theo Điều 144 Luật Nhà ở 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2025, chỗ để xe của nhà chung cư bao gồm khu vực sạc điện cho xe động cơ điện được bố trí theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Đây cũng là một nội dung mới tạo tiền đề cho việc điều chỉnh các quy định về xây dựng trong tương lai gần.
Hiện nay, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, các trạm dừng nghỉ đường bộ, chung cư, khách sạn, khu resort, trung tâm thương mại... cũng phải bố trí trạm sạc dành cho xe điện.
Cơ hội dành cho doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng xanh
Tại Việt Nam, Vingroup là tập đoàn tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh. Trong đó, VinFast, ngoài việc phát triển dải sản phẩm xe thuần điện gồm ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và xe buýt điện, còn sở hữu hệ thống trạm sạc tiên tiến, quy mô lớn với hơn 150.000 trụ sạc. Trong đó, đa số trụ sạc được bố trí tại các trạm dừng nghỉ, trung tâm thương mại, khu đô thị Vinhomes và các điểm sạc công cộng trong thành phố... Hệ thống trạm sạc của VinFast hiện đã đạt mật độ khoảng 3,5 km/trạm ở 80 thành phố trên cả nước. Ngày 18/03/2024, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-GREEN để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống trạm sạc trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để tạo độ phủ trên toàn hệ thống trạm dừng nghỉ, ngoài sự hiện diện của V-GREEN, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trạm sạc và các công ty năng lượng “xanh”. Bởi lẽ, theo Quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2030 sẽ xây dựng, mở rộng hoàn thiện trên hệ thống đường quốc lộ phải có khoảng 100-120 trạm dừng nghỉ. Như vậy, theo mục tiêu chung tại Quyết định số 876 sẽ có tương ứng khoảng 100-120 trạm sạc lớn, nhỏ dọc các tuyến quốc lộ. Đối với các tuyến cao tốc, theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, trung bình cứ 50-60 km cần bố trí một trạm dừng nghỉ để phục vụ nhu cầu của người tham gia giao thông.
Điều này cho thấy, dư địa phát triển dịch vụ trạm sạc tại Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. Thông thường, các trạm dừng nghỉ đường bộ sẽ lựa chọn hợp tác với một hoặc một vài đơn vị sản xuất, kinh doanh trạm sạc, công ty năng lượng để đảm bảo đủ tiêu chuẩn vận hành.
Hiện nay, ngoài V-GREEN, một số doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển các giải pháp, nền tảng, trụ sạc của riêng mình, bao gồm Công ty CP EverEV, Công ty Cổ Phần Trạm Sạc Xe Điện SOLAREV, Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam... Tuy nhiên, chiến lược tiếp cận và phát triển trạm sạc tại Việt Nam của mỗi doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt.
EverEV là nhà cung cấp dịch vụ, thiết bị sạc và khai thác điểm sạc tại Việt Nam. Những sản phẩm chủ lực của công ty này là các bộ sạc gia đình (Home Charger) và bộ sạc DC dành cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình. Bên cạnh đó, EverEV cũng là đối tác của VinFast trong hoạt động hậu mãi dành cho bộ sạc nhanh. SolarEV là công ty chuyên tư vấn, lắp đặt trạm sạc ô tô điện, trạm sạc xe điện sử dụng năng lượng mặt trời, đầu tư dịch vụ trạm sạc xe điện kết hợp F&B, lắp đặt tại các khu du lịch, trạm dừng nghỉ... Điểm chung của EverEV và SolarEV là những sản phẩm trụ sạc chậm, sạc nhanh có khả năng tương thích cao với nhiều thương hiệu xe điện, giúp đem lại giải pháp sạc pin nhanh chóng dành cho các mẫu xe điện đang được bán tại Việt Nam nhưng chưa có hạ tầng trạm sạc đi kèm như VinFast.
Các công ty năng lượng “xanh” như Green Yellow Việt Nam lại tập trung vào các giải pháp năng lượng như điện mặt trời mái nhà dành cho doanh nghiệp. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam, cho biết Quỹ cũng đã xây dựng chiến lược phát triển điện mặt trời tại các trạm sạc ở Việt Nam. Theo đó, các trạm sạc hoàn toàn có thể vừa đấu nối điện lưới, vừa lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hiện Quỹ đang hợp tác với nhiều hãng xe nước ngoài để triển khai các dự án về điện mặt trời trong tương lai gần.
Như vậy, tương tự Mỹ, châu Âu hay Thái Lan, việc phát triển hạ tầng trạm sạc không chỉ là sứ mệnh của các nhà sản xuất ô tô mà còn có sự chung tay tích cực từ các công ty năng lượng, các quỹ đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát triển hạ tầng trạm sạc độc lập, hoặc lựa chọn hình thức hợp tác đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận.