Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc chủ động phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp biển số của các công ty sản xuất biển số xe cho Công an các đơn vị địa phương. Phối hợp Công an cấp cơ sở, các lực lượng nghiệp vụ xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện sản xuất, mua bán biển số xe trái phép trên địa bàn.
Thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; đăng ký xe; điều tra giải quyết tai nạn giao thông, lực lượng CSGT sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phối hợp với các đơn vị thu phí trên tuyến, địa bàn quản lý,... để phát hiện các trường hợp phương tiện ô tô gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; các trường hợp sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số; gắn thiết bị “thay đổi” biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng...
Khi phát hiện các trường hợp vi phạm trên, CSGT chủ động điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, liên tục những vụ che biển số, dán đổi số, dùng biển giả được người dân phản ánh gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí nhiều trường hợp người đi xe biển thật nhận phạt nguội oan hoặc những người gặp tai nạn khó đòi lại công bằng.
Gần đây nhất là vào sáng 5/9, cộng đồng mạng đã xôn xao khi xuất hiện một video ghi lại một chiếc xe ô tô dán, sửa biển kiểm soát lưu thông trên đường phố Hà Nội bị một người đàn ông “lột sạch”. Theo hình ảnh trong clip, khoảng 7h sáng cùng ngày, ô tô nhãn hiệu Mazda mang biển kiểm soát 30G - 110.31 đang lưu thông trên đường Đê La Thành, khi đến trước cửa số nhà 610 Đê La Thành (Ba Đình) thì một người đi đường bất ngờ “lột sạch” băng dính che biển của xe. Sau khi bóc băng dính, chiếc xe này về đúng biển kiểm soát của mình là 30G- 110.81.
Căn cứ điểm c khoản 3 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)” sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng cùng với việc khôi phục lại hiện trạng biển số.
Đối với hành vi sử dụng biển giả, theo quy định tại điểm d Khoản 5 Điều 16 Nghị định 100/2019 thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, cùng với việc tịch thu biển giả, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Còn trong trường hợp sử dụng biển số giả gây tai nạn thì người gây tai nạn phải chịu trách nhiệm về hành vi sử dụng biển số giả, hành vi che biển số như đã nêu ở trên. Nếu có những vi phạm hành chính khác như quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không quan sát, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… thì cũng sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Trường hợp có tính chất nghiêm trọng chẳng hạn như làm chết người, tổn hại sức khoẻ cho nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản… thì người gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho những thiệt hại do họ gây ra theo quy định của pháp luật dân sự.