Đơn vị tư vấn đề xuất Sở GTVT Hà Nội mức phí vào nội đô ngày làm việc trong tuần đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt. Cùng thời điểm, Sở GTVT TP.HCM có văn bản đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố.
Các đề án này đều hướng tới việc hạn chế lượng xe cơ giới vào khu vực trung tâm để tránh ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, thông qua hình thức cơ bản là lập chuỗi các trạm thu phí phương tiện giao thông cá nhân. Với Hà Nội, đó là phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô; Với TP.HCM, đó là kế hoạch triển khai một “vành đai thu phí” bao lấy khu vực trung tâm.
Giảm tải hay tạo thêm áp lực?
Bạn đọc (BĐ) Minh Nghĩa ngay lập tức lo lắng cho rằng cách “giảm tải” nội đô với chuỗi trạm thu phí sẽ lặp lại sai lầm “chống ngập bằng nâng nền, nước dồn sang chỗ trũng”, tức là không giải quyết cơ bản được câu chuyện lượng phương tiện giao thông cá nhân khổng lồ, mà chỉ điều hướng lượng phương tiện này rời khu vực trung tâm. BĐ Vũ cảnh báo về tình huống: “Tình trạng kẹt xe kinh khủng sẽ xảy ra tại các đường giáp ranh, khi các xe chạy vòng quanh để né khu vực trung tâm, thay vì đi xuyên tâm như hiện tại”. Như vậy, nhiều khả năng các phương án giảm tải cho nội đô lại biến thành một áp lực giao thông cực lớn cho các khu vực giáp ranh, thắt khu vực trung tâm trong một “vòng tròn kẹt xe”.
Chưa kể, ngay cả khi triển khai thành công chuỗi trạm, nhưng nếu việc thu phí vẫn làm theo kiểu thủ công, thì mức độ bành trướng không gian, thời gian khi các phương tiện dồn về lúc cao điểm, tạo thành nút thắt cổ chai ngay các trạm thu phí. BĐ VVM nhận xét: “Mấy trạm thu phí không dừng trên các quốc lộ mà còn trầy trật mãi làm không xong thì nay dồn vào đô thị không biết sẽ còn trầy trật như thế nào”. Tán thành, BĐ Hai Ung Tran cho rằng: “Cần nghiên cứu công nghệ thu phí hiện đại không dừng, không ảnh hưởng đến giao thông, thay vì sử dụng phương án trạm thu phí truyền thống”.
Cũng có nhiều BĐ lại đánh giá câu chuyện dưới góc nhìn kinh tế khi lưu ý các nhà quy hoạch cần cân nhắc khả năng “đó là một sự đầu tư lãng phí”. BĐ Hòa Nguyễn Văn cho rằng các phương án thu phí “khó đạt được mục đích cao nhất là giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường” trong khi phải bỏ ra khoản kinh phí lớn đầu tư vào trạm thu, kèm theo lao động, trả lương mà không phát huy được hiệu quả kinh tế thì ai sẽ bù lỗ? Theo tính toán, tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí ở Hà Nội là khoảng 2.646 tỉ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác. Với TP.HCM, Sở GTVT đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong thời hạn 10 năm và không tái đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.274 tỉ đồng.
Nâng cấp hệ thống giao thông công cộng
BĐ tuan26982 cho biết thực sự bối rối khi đọc thông tin về dự án thu phí: “Tôi đi làm ở sân bay, ngày nào cũng đi. Đi xe buýt thì muộn giờ làm vì giao thông hay tắc nghẽn giờ cao điểm. Đi xe cá nhân thì bị thu phí”. BĐ Danhuy Nguyen nhận xét: “Điều mấu chốt nên đề cập là thành phố thu phí, thì ngược lại cơ sở hạ tầng phải đáp ứng sao cho tốt với số tiền mà người dân bỏ ra”. Chia sẻ điều này, một BĐ ở TP.HCM cũng nêu: “Nếu muốn thu thì hãy đầu tư nâng cấp các dịch vụ đi lại công cộng cho thật tốt vào!”.
Trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, việc lưu thông trông chờ vào các phương tiện cá nhân là không thể tránh khỏi.
Nhiều BĐ cũng đặt câu hỏi, trong bối cảnh hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, các dự án liên quan thì chậm trễ, đội vốn, thậm chí chất lượng kém, thì việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân khi vào khu vực nội đô liệu có khả thi và công bằng?