Sau vụ va chạm, nhiều người đã yêu cầu tài xế xe Huyndai Tucson xuống giải quyết, nhưng người này đã cố thủ, khóa trái cửa. Bị những người vây quanh gây áp lực, người đàn ông lớn tuổi sau đó đã phải mở cửa ghế lái bước ra, tay chống nạng thay cho chân bên phải đã bị cụt. Được biết người đàn ông cụt chân lái xe ô tô là ông Ngô Văn C. (68 tuổi, trú tại TP Bắc Ninh). Chiếc xe được đăng ký lần đầu ngày 7/11/2018.
Đáng chú ý là liên quan đến vụ việc, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh cho hay, người đàn ông trên chưa được cấp giấy phép lái xe ô tô.
Trước thông tin này, rất nhiều người quan tâm đến việc liệu người khuyết tật có được cấp bằng lái ô tô hay không? Nếu được cấp thì phải đảm bảo các tiêu chí nào?
Thực tế, theo Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT cho phép đào tạo, sát hạch và cấp GPLX hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Từ 1/6/2017, Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ chính thức thay thế cho Thông tư 58/2015 về quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong Thông tư 12/2017 là việc cho phép đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật (không hành nghề lái xe).
Điều kiện đăng ký học lái xe (Điều 7 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT):
Phải là công dân Việt Nam; người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
Phải đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định.
Đồ sơ đăng ký học lái xe (Điều 9 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT):
Người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:
Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định.
Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Về việc đào tạo lái xe (Điều 43 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT):
Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định của Thông tư này.
Phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định. Người học được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo;
Sử dụng xe tập lái là xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo.
Riêng với trường hợp người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo, có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe tập lái song ô tô tập lái này phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, đảm bảo các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Về việc sát hạch lái xe (Điều 44 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT):
Người dự sát hạch phải có đủ hồ sơ, thực hiện đủ nội dung và quy trình sát hạch theo quy định tại trung tâm sát hạch có đủ điều kiện.
Sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của trung tâm sát hạch làm xe sát hạch lái xe trong hình và trên đường.
Riêng với trường hợp người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo, khi sát hạch sẽ có thêm hai sát hạch viên ngồi trên xe chấm điểm trực tiếp nội dung sát hạch lái xe trong hình và trên đường. Ngoài ra, người dự sát hạch có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe sát hạch song xe sát hạch này phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, đảm bảo các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Những trường hợp người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe (Thông tư liên tịch 24/2015 của Liên Bộ Y tế và GTVT):
Theo Thông tư liên tịch 24/2015 của Liên Bộ Y tế và GTVT về Tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe, quy định người lái xe hạng B1, người khuyết tật sẽ KHÔNG được phép điều khiển xe nếu nằm trong những trường hợp sau:
- Về tâm thần:
Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 06 tháng.
Rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi.
- Về thần kinh
Động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất (không/có dùng thuốc điều trị).
Liệt vận động từ hai chi trở lên.
Hội chứng ngoại tháp
Rối loạn cảm giác sâu.
Chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý.
- Về mắt
Thị lực nhìn xa hai mắt: < 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).
Nếu còn một mắt, thị lực <5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).
Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây.
Song thị kể cả có điều chỉnh bằng lăng kính.
- Về tim mạch
Block nhĩ thất độ II hoặc có nhịp chậm kèm theo các triệu chứng lâm sàng (kể cả đã được điều trị nhưng không ổn định).
Suy tim độ III trở lên (theo phân loại của Hiệp hội tim mạch New York - NYHA).
- Về hô hấp
Các bệnh, tật gây khó thở mức độ III trở lên (theo phân loại mMRC).
- Về cơ xương khớp
Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).
- Có sử dụng các chất ma túy hoặc chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định.