Nếu như trước đây, thiết kế chính là yếu tố tiên quyết để quyết định xuống tiền mua xe của nhiều khách hàng thì khách hàng thuộc thế hệ công nghệ mới tại Việt Nam đang cho thấy sự thực dụng hơn khi quan tâm giá trị sử dụng hàng ngày như xe tiết kiệm nhiên liệu, bền bỉ là quan trọng nhất bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu lâu dài và tính năng an toàn của một chiếc xe.
Do đó, các mẫu xe phục vụ cho đời sống hàng ngày có mức giá bình dân có tính thực dụng cao luôn thuộc top bán chạy hàng tháng. Doanh số của thị trường cũng đang đổ dồn về phân khúc này.
Bằng chứng theo thống kê của VAMA tháng 5 vừa qua, “vua doanh số” Mitsubishi Xpander tiếp tục là mẫu ô tô bán chạy nhất tại Việt Nam, với doanh số 1.766 xe tới tay khách hàng trong nước. Tính đến hết tháng 5, luỹ kế doanh số Xpander đang là mẫu xe bán được nhiều nhất trong năm 2024 tại Việt Nam, với 6.537 chiếc đã tới tay khách hàng. Ở vị trí thứ hai trong tháng 5 vừa qua là “vua bán tải” Ford Ranger, với 1.477 xe bán ra.
Cũng trong top xe bán chạy nhất tháng 5/2024 là Toyota Corolla Cross: 996 xe, Hyundai Accent: 920 xe, Toyota Yaris Cross: 902 xe, Mazda CX-5: 892 xe, Ford Everest: 811 xe, Mitsubishi Xforce: 802 xe, Toyota Vios: 766 xe, Toyota Veloz Cross: 604 xe.
Với danh sách xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam tháng gần nhất và những tháng gần nhất trước đó, có thể thấy rất rõ nét sự dịch chuyển nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng Việt đang hướng tới những mẫu xe bên cạnh đảm bảo được nhu cầu sử dụng, vừa đảm bảo thẩm mỹ, có nhiều công nghệ và đặc biệt là phải… rẻ.
Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng ngày càng chặt chẽ trong việc cân đối chi phí khấu hao, bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian sử dụng. Điều đó khẳng định, thế mạnh của các dòng xe thực dụng có ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách của người dùng.
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng Việt, thời gian qua, liên tục các mẫu xe cả động cơ đốt trong và xe điện ở các phân khúc hạng A, CUV cỡ B đã được ra mắt khiến các phân khúc này đang ngày càng sôi động hơn bao giờ hết.
Nếu phân tích kết quả bán hàng tại Việt Nam trong thời gian qua cũng nhận thấy hầu hết mẫu xe thực dụng, chú trọng vào công năng, tính năng hay một số mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ như Creta, Sonet, Raize đều ghi nhận doanh số ấn tượng.
Về phía các nhà sản xuất ô tô, nếu như trước đây khoảng 1 thập kỷ, nhiều tính năng công nghệ thường coi là đặc quyền xa xỉ của các mẫu xe sang như hỗ trợ lái, hệ thống giải trí thông minh, cảnh báo va chạm, cảm biến quanh xe, hệ thống điều khiển giọng nói, phanh ABS, camera lùi, hệ thống cảnh báo điểm mù BSM, hệ thống cảnh báo áp suất lốp TPMS, thì ngày nay đã được tích hợp trên rất nhiều mẫu xe phổ thông có mức giá bình dân, hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB v.v… Điều này cho thấy chứng tỏ sự tiến bộ của công nghệ ô tô và việc các hãng cũng rất thức thời trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng có hầu bao không quá rộng rãi.
Ngay cả phía thiết kế ngoại thất bên ngoài, các hãng cũng đang tích hợp nhiều thay đổi để hút người dùng như đèn pha LED trước đây chỉ có ở các dòng xe hạng sang nhưng ở hiện tại nó không còn là một trang bị mới và đã góp mặt ở mọi phân khúc ô tô, ngay cả những chiếc ô tô có giá bình dân.
Ngoài ra, tính thanh khoản của xe ô tô cũng là một trong những đặc điểm thực dụng mà người tiêu dùng Việt rất quan tâm. Tâm lý giữ giá cho chiếc xe có thể coi là một ưu tiên hàng đầu của nhiều người, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ mua xe lần đầu.
Đơn cử như mẫu xe bán rất chạy nhà Toyota là Vios dù có giá bán cao so với mặt bằng chung trong phân khúc xe hạng B nhưng vẫn đắt khách là nhờ vào khả năng giữ giá bất ngờ.
Một kết qủa nghiên cứu từng chỉ ra rằng tỷ lệ trượt giá của Vios sau 5 năm sử dụng là 37%, trong khi của hai đối thủ là vào khoảng 39%. Điều này cho thấy mẫu sedan hạng B Vios của Toyota được đánh giá rất cao về chi phí khấu hao sau thời gian sử dụng so với Hyundai Accent và Honda City.